Cập nhật: 17/03/2011 16:39:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổ chức Dịch vụ thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (trụ sở chính tại Anh) và tờ Thời báo London ngày 16/3 đã nhận định mặc dù triển vọng của các nền kinh tế phát triển năm 2011 là khả quan, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với những cú sốc lớn và những rủi ro lớn đáng lo ngại do ảnh hưởng của các biến động chính trị ở khu vực Trung Đông và thiên tai mới đây ở Nhật Bản.

Theo EIU, lòng tin của thị trường đối với khu vực sử dụng đồng euro đã cải thiện trong tháng 2/2011 do các nhà hoạch định chính sách khu vực tỏ rõ quyết tâm xử lý cuộc khủng hoảng nợ công một cách toàn diện hơn. Nhưng tâm lý vui mừng này đã bắt đầu lắng xuống do có sự bất đồng giữa các thành viên, và trong tương lai gần sẽ chưa thể có một giải pháp nào cho vấn đề trên.

 

Nhận định về khu vực châu Á và các nền kinh tế đang nổi, EIU cho rằng các nền kinh tế đang nổi (không tính các nước Đông Âu) đã hồi phục mạnh trong năm 2010. Nhiều nước, nhất là các nền kinh tế mở cửa ở châu Á, thậm chí đến cuối năm 2010 đã lấy lại được những gì đã mất trong cuộc suy thoái. Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy một số nước đã mất đà trong nửa cuối năm 2010.

 

Với chính sách nới lỏng tín dụng của một số nền kinh tế lớn, các nền kinh tế đang nổi sẽ tiếp tục thu hút những dòng chảy vốn dồi dào. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nội địa, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về chính sách, do các luồng tín dụng chảy vào sẽ kéo theo nguy cơ lạm phát, đồng tiền lên giá và bong bóng thị trường.

 

EIU dự báo các nền kinh tế đang nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững, nhưng vẫn có nhiều rủi ro. Nhiều nền kinh tế đã được vực dậy nhờ các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ, bởi họ không bị hạn chế lớn về thâm hụt ngân sách. Hiện vẫn chưa rõ liệu các nền kinh tế đang nổi sẽ ra sao khi các biện pháp kích thích này bị rút lại đột ngột, trong khi xuất khẩu sang các thị trường phát triển - động lực chính cho tăng trưởng - vẫn yếu.

 

Xét triển vọng trung hạn ở các nền kinh tế phát triển vẫn chưa sáng sủa, các nền kinh tế đang nổi cần có một sự chuyển dịch về cơ cấu: Giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng tới tăng trưởng thông qua nhu cầu nội địa. Trong khi chính sách tài khóa ở các nền kinh tế mới nổi chắc chắn sẽ bị siết lại, chính sách tiền tệ ra sao vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

 

Lãi suất cực thấp và đợt nới lỏng tín dụng QE 2 ở Mỹ và một số nền kinh tế phát triển khác sẽ tiếp tục khơi thông dòng chảy tín dụng vào các nước đang phát triển. Nhìn chung, chúng sẽ thúc đẩy nhu cầu, nhưng cũng có thể khiến đồng nội tệ tăng giá, làm tăng lạm phát và kích thích bong bóng tài sản. Cũng giống như phương Tây, các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển sẽ gặp không ít thách thức trong năm 2011.

 

Cũng theo đánh giá của tổ chức nói trên, tình trạng giá dầu tăng cao đe dọa làm chậm lại tiến trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ giá dầu tăng tác động tới kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc liệu mức tăng này có nằm trong tầm kiểm soát hay không. EIU cho rằng cuộc khủng hoảng ở Trung Đông sẽ kéo dài ít nhất vài tháng sắp tới, giữ giá dầu thô ở mức cao.

 

Khả năng nguồn cung sẽ không tiếp tục gặp thêm nhiều biến động lớn và sự căng thẳng trên thị trường sẽ không kéo dài. Vì vậy, EIU cho rằng dầu thô sẽ không làm chệch hướng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang dần củng cố nhờ sự tăng trưởng mạnh ở các nền kinh tế đang nổi và nhu cầu gia tăng ở nhóm nước phát triển. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ chậm dần vào cuối năm nay do các nước tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu có tác dụng ở nhiều nước.

 

Tăng trưởng kinh tế nhanh, cộng thêm giá hàng hóa tăng, đang thổi bùng lạm phát ở nhiều nền kinh tế đang nổi, bao gồm Trung Quốc và Brazil. Giá cả tăng đặt các ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển vào thế khó, khiến một số phải miễn cưỡng thắt chặt chính sách tiền tệ. Kỳ vọng lạm phát gia tăng cũng làm tăng sức ép về lương và các chi phí khác trong nền kinh tế.

 

Thị trường tài chính dồi dào thanh khoản góp phần tạo ra một mặt bằng giá mới trên thị trường bất động sản do các nhà đầu tư tỏ ra mạo hiểm hơn. Cùng với bất ổn chính trị, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt nguy cơ ngắn hạn khác. Trong khi đó, nguy cơ về trung hạn hầu như không thuyên giảm: Tình hình tài khóa ở Mỹ đáng lo ngại và các kế hoạch khắc khổ ở châu Âu để đối phó khủng hoảng nợ công là những trở ngại đáng kể đối với tăng trưởng toàn cầu.

 

Ngoại trừ Mỹ, nơi các biện pháp kích thích gần đây khiến thâm hụt ngân sách tiếp tục lớn, các nước khác sẽ siết chặt đáng kể chính sách tài khóa trong năm 2011 do phải thực hiện các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách. Các nước có nguy cơ cao, như Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ phải thắt chặt nhất. Nhưng một số nước khác, như Anh, cũng đã công bố biện pháp thắt chặt chi tiêu.

 

Một số chuyên gia lo ngại các biện pháp khắc khổ này sẽ cản trở nền kinh tế toàn cầu hồi phục. Một số khác cho rằng chúng không nhất thiết tạo ra những tác động tiêu cực, bởi sự quyết tâm của chính phủ sẽ giúp lấy lại lòng tin của các hộ gia đình đối với chính sách thuế trong tương lai và giảm bớt nỗi lo khu vực tư nhân không tiếp cận được vốn vay.

 

Sự khác biệt cơ bản về quan điểm nói trên không giúp cho các nhà lãnh đạo tránh được sai lầm khi phải mò mẫm về chính sách. Mặc dù sự tranh cãi này vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, EIU cho rằng nhìn chung, chính sách thắt chặt tài khóa sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống./.

 

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm