Cập nhật: 23/03/2011 15:45:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc áp dụng các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô”, đó là nhận định của các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế nước ngoài, các tổ chức quốc tế về việc Chính phủ Việt Nam áp dụng 6 nhóm giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam về 6 nhóm giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã và đang không chỉ thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân trong nước mà cả các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế nước ngoài, các tổ chức quốc tế… Theo Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 với một gói kích thích kinh tế, đồng thời rút lại các biện pháp kích thích tương đương có hiệu quả vào cuối năm 2009. Vì vậy, Việt Nam đã phát triển tốt vào năm 2010 với tốc độ tăng trưởng là 6,8%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng nhanh. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do giá cả lương thực, giá dầu thế giới gia tăng, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn, nhập siêu cao, dự trữ ngoại hối thấp.

 

Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á Haruhiko Kuroda cho rằng, hàng loạt động thái gần đây như việc giảm giá mạnh tiền đồng, tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng, hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng và giảm chi tiêu, cho thấy quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết mất cân bằng kinh tế cơ bản. Ông Haruhiko Kuroda cho biết: “việc chính phủ Việt Nam đưa ra gói chính sách gồm 6 giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tôi cho rằng rất phù hợp. Việc Ngân hàng nhà nước Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ, rõ ràng đã phát huy tác dụng trong việc giám sát chặt chẽ chỉ số lạm phát, cán cân thanh toán, đảm bảo nền kinh tế phát triển cân đối và bền vững hơn. Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”.

 

Cùng quan điểm, Ngân hàng Anh HSBC mới đây cũng đưa ra những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam và cho rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt trong năm nay nhờ những biện pháp mạnh mẽ của chính phủ. Đại sứ Anh tại Việt Nam Antony Stokers trong một cuộc họp báo mới đây, cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có bước đi chính xác, phù hợp khi mà có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bởi nếu chính sách tài khóa hướng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng thì chính sách tiền tệ sẽ hướng vào mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế và ổn định tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho chiến lược 10 năm 2011 – 2020, đây là bước quan trọng để có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu mô hình kinh tế hiện đại, tránh sự trì trệ của một nước thu nhập trung bình. Để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh và bền vững, Việt Nam cần phải tăng cường tập trung vào hiệu quả về mặt kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước cần phải hiệu quả hơn trong việc tiếp nhận các kênh đầu tư cũng như trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Chính phủ cần mạnh tay cắt bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả. Do vậy bên cạnh các biện pháp trong ngắn hạn Việt Nam cũng cần phải tiếp tục những cải cách quan trọng trong trung và dài hạn. Ông Antony Stokers nói: “Tôi cho rằng cần có một cách tiếp cận tích cực với những lực cản, ví dụ như vấn đề minh bạch, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, trách nhiệm giải trình còn chưa cao. Nếu như giải quyết tốt những vấn đề này sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng và duy trì sự thịnh vượng lâu dài. Nhưng tôi nhận thấy rằng chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc và cởi mở trong việc thảo luận các vấn đề này”.

 

Theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, cần phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ từ trung ương đến địa phương bởi giải pháp đúng thì việc thực hiện các giải pháp đó cần phải nghiêm túc, quyết liệt. Mặt khác, những chính sách kiềm chế lạm phát có thể là mang tính chiến lược trong thời gian dài, nhưng cũng có thể mang tính sách lược, tình thế. Chính sách đó có thể phù hợp với thời điểm này mà không phù hợp thời điểm khác. Do vậy, việc điều chỉnh, thay đổi chính sách của Chính phủ trong từng thời điểm là rất cần thiết và phải kịp thời. Đã đến lúc Việt Nam cần có cách tư duy tiếp cận mới trong việc phát triển kinh tế một cách bền vững, trong đó có việc giảm mục tiêu tăng trưởng. Về vấn đề này, Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda cho rằng, việc tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn cần thiết, bởi điều này giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong tương lai.

 

Phân tích đánh giá tình hình kinh tế trong nước và thế giới một cách khoa học, cộng với việc tranh thủ các ý kiến tư vấn, sự giúp đỡ dưới nhiều hình thức của các quốc gia khác, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Theo các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế nước ngoài, những điều này sẽ giúp Việt Nam cải thiện sự ổn định kinh tế và tiến tới tăng trưởng ổn định trong thời gian tới./.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm