Hai tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 60,3% và đang có diễn biến tích cực theo hướng thu hẹp dần khoảng cách trong cán cân thương mại giữa hai nước.
Đó là chia sẻ của ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương với Vietnam+ khi bàn về vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc thời gian gần đây.
- Mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc những năm qua đã không ngừng tăng lên, vậy ông đánh giá thế nào về diễn biến này?
Ông Bùi Huy Sơn: Trước đây ta vẫn nhập siêu từ Trung Quốc nhưng tỷ lệ không lớn và chỉ nổi trội lên từ năm 2006 đến nay.
Năm 2001 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 189 triệu USD tương đương 6,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nhưng từ 2006-2007 đã tăng rất nhanh và đến năm 2010 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã lên đến 12,7 tỷ USD, chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện tượng này phản ánh thực tế là Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu lớn trong khi Trung Quốc lại có thể đáp ứng các nhu cầu đó.
Vì sao Việt Nam có nhu cầu lớn như vậy? Trước hết là do sự phát triển rất ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm qua khiến không chỉ năng lực sản xuất tăng lên mà kèm theo đó là mức sống của nhân dân và khả năng tiêu thụ của thị trường cũng tăng đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng phục vụ đời sống.
Tiếp đến là xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh và khi đó nhu cầu về máy móc thiết bị, công nghệ là rất lớn. Trong khi đó, nhiều nhóm nguyên vật liệu và máy móc chúng ta chưa thể đáp ứng được. Ngoài ra, còn phải kể đến hoạt động lưu chuyển nguyên vật liệu nội bộ giữa các chi nhánh của các tập đoàn, công ty đa quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và tại Trung Quốc.
Còn nếu xét về khía cạnh nguồn cung thì Trung Quốc đã được coi là công xưởng của thế giới với khả năng đáp ứng mọi nhu cầu từ đơn giản đến phức tạp với mức giá rất cạnh tranh.
Trung Quốc ở ngay cạnh ta, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, giao lưu, trao đổi nhân dân phát triển mạnh, thuận lợi về vận chuyển và thông tin, nên hoạt động giao thương càng thêm thuận lợi. Một bên có nhu cầu lớn và một bên có khả năng đáp ứng trong môi trường thương mại ngày càng thông thoáng thì hoạt động thương mại tăng mạnh là một thực tế khách quan. Với lý do như vậy thì việc nhập siêu từ Trung Quốc là dễ hiểu.
- Vậy nhập siêu lớn có phải là điều đáng lo ngại không và giải pháp thế nào trong thời gian tới?
Ông Bùi Huy Sơn: Việc nhập siêu lớn, kéo dài, không phải riêng với thị trường Trung Quốc mà trong quan hệ thương mại quốc tế nói chung với các nước trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế và là vấn đề không thể thờ ơ được, mà phải giải quyết. Nhưng để khắc phục cần phải bình tĩnh và khoa học mới hiệu quả.
Trên thực tế, nhiều nước trong giai đoạn đầu phát triển năng lực sản xuất cũng trải qua vấn đề nhập siêu và qua lý thuyết lẫn thực tế thì đối với từng đối tác cụ thể thì vấn đề có đặc thù riêng, cần được phân tích chi tiết.
Riêng với thị trường Trung Quốc, với đặc thù về cơ cấu kinh tế của hai bên như hiện nay, tình trạng nhập siêu sẽ còn diễn ra trong một thời gian nữa, chúng ta cũng đã đặt nhiệm vụ là nỗ lực từng bước giảm nhập siêu. Kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ này thể hiện ở hai điểm:
Một là, cơ cấu hàng hóa nhập siêu phải điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, hay nói cách khác là đảm bảo theo hướng bền vững hơn và hai là, tỷ trọng nhập siêu trong tổng giá trị xuất nhập khẩu phải dần giảm đi.
Tín hiệu đáng mừng là thời gian vừa qua đã có chuyển biến tích cực: Cơ cấu hàng nhập khẩu đã có chuyển biến tốt. Trong 2 tháng đầu năm 2011 nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 22,5% dù không tăng mạnh về giá nhưng đã tăng gấp đôi về kim ngạch, chủ yếu nhờ lượng, so với cùng kỳ năm 2010 đạt 302 triệu USD so với 177 triệu USD của 2010.
Còn nhóm nguyên liệu khoáng sản đang giảm dần đặc biệt với chính sách kiểm soát khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô thì mặt hàng than đá xuất khẩu giảm tới 88,6%.
Nhìn cả hai góc độ cơ cấu nhập khẩu và cơ cấu xuất khẩu đều có sự chuyển hướng rất tích cực, đảm bảo khả năng tiếp tục điều chỉnh bền vững. Cũng trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 61%, vượt xa tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu 25%, làm giảm tỷ trọng nhập siêu trên tổng giá trị thương mại hai chiều cùng kỳ từ 50% xuống 40%.
- Nhưng việc tăng đột biến sang Trung Quốc có phải do chính sách khuyến khích nhập khẩu của Trung Quốc không và thời gian tới sẽ như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Phía Trung Quốc có công bố chủ trương khuyến khích nhập khẩu, nhưng chưa có biện pháp cụ thể nào, trừ việc phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng việc này được thực hiện rất thận trọng và chậm rãi nên việc phá giá này dù có tác động ít nhiều nhưng tôi không nghĩ nó trực tiếp làm tăng mạnh giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, nếu cho rằng việc tăng trưởng xuất khẩu mạnh hai tháng đầu do chính sách mở cửa của Trung Quốc theo tôi là không khách quan và không công bằng. Nói không khách quan vì một là, với chủ trương lớn như vậy, không thể hôm trước công bố, hôm sau mở cửa thì hàng hóa đã có thể nhập khẩu ồ ạt vào ngay được mà cần phải có một quá trình trong cạnh tranh sản xuất, tiếp thị, phân phối.
Tiếp đến là việc mở cửa thị trường đâu phải chỉ dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng tại thị trường rộng lớn ấy doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trước hết với doanh nghiệp Trung Quốc, sau đó là rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh và quan hệ bạn hàng với Trung Quốc từ lâu như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,..
Nên dù có một khoảng mở mới đi nữa thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải mất nhiều công sức mới chiếm được khoảng mở đó. Do vậy, công bằng mà nói đó chủ yếu là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam từ nhiều năm gây dựng năng lực sản xuất, phát triển quan hệ bạn hàng, hệ thống phân phối,… tại Trung Quốc.
- Nhiều doanh nghiệp cho rằng do quy chế đầu thầu mà hàng Việt Nam khó cạnh tranh ngay tại sân nhà, liệu điều này có đúng không thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trả lời rất rõ trên diễn đàn Quốc hội là quy định về đấu thầu hiện nay đảm bảo chặt chẽ và công bằng với yêu cầu đầu tiên là đảm bảo chất lượng. Vấn đề là việc thực hiện trên thực tế.
Trước đây có tình trạng với các dự án phức tạp thì đôi khi chủ thầu lại muốn đơn giản về thủ tục nên đã làm trọn gói và không muốn tách bạch chỗ nào phải nhập khẩu và chỗ nào thì mua hàng trong nước. Để giải quyết tình trạng đó từ 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì cùng các Bô, ngành hữu quan rà soát rất chi tiết danh mục các thiết bị, phụ tùng trong nước đã sản xuất và cung cấp được và đề nghị trong quá trình tổ chức đấu thầu với các nhóm sản phẩm như vậy phải ưu tiên dùng hàng trong nước đã sản xuất được.
Thậm chí phải bóc tách trong cả gói thầu, cái nào trong nước không sản xuất được hoặc buộc phải gắn với thiết bị đồng bộ để đảm bảo hiệu suất cao nhất cho thiết bị thì mới nhập, còn lại phải ưu tiên hàng trong nước. Trên thực tế rất nhiều máy móc thiết bị chúng ta đã sản xuất được và chất lượng đảm bảo ví dụ như nhà máy ximăng Quang Sơn của Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) chúng ta đã tự cung cấp thiết bị tới trên 70%, hay các thiết bị thủy công tại nhiều công trình lớn như dự án Thủy điện Sơn La.
- Xin cảm ơn ông./.
Theo TTXVN/VIETNAM+