Cập nhật: 25/04/2011 16:02:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ giữa năm 2008 đến nay, nền kinh tế nước ta liên tiếp phải chịu sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thương mại, đầu tư và tài chính là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp cùng nhiều hệ lụy khác làm cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư quốc tế sụt giảm.

Tiếp theo là từ cuối quý 4 năm 2010 đến nay, lạm phát tăng cao và khó kiểm soát cộng với những bất ổn chính trị ở Li-bi và các quốc gia khác ở châu Phi, thảm họa thiên nhiên ở Nhật Bản... cũng đã làm cho thị trường lao động ở nước ta bị tác động, nhiều vấn đề xã hội như thất nghiệp, mất việc làm gia tăng, đời sống của người lao động, người nghèo ngày càng khó khăn.

 

Rõ ràng là, những tác động tiêu cực của kinh tế, chính trị trên thế giới làm cho bất ổn kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Vấn đề được quan tâm nhiều khi xử lý những bất ổn, rủi ro nêu trên là những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước.  Những chủ trương, chính sách này đòi hỏi phải sát thực tiễn, với những giải pháp đồng bộ và khả thi; phải lường được khả năng xấu xảy ra trong thực tiễn qua quá trình thực thi các chính sách, những tác động đến các đối tượng mà chính sách bao quát.

 

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, làm thế nào để bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu được những rủi ro do biến động của tình hình quốc tế?

 

Theo chúng tôi, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn những giải pháp tiếp tục phát triển thị trường lao động. Những chính sách lớn là tập trung các nguồn lực, phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, tạo nhiều việc làm ở khu vực này bằng cách đào tạo nghề và phát triển nghề, cơ sở sản xuất chế biến hàng nông, lâm, thủy, hải sản, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

 

Cần tập trung nghiên cứu, xây dựng và áp dụng hệ thống an sinh xã hội toàn dân, linh hoạt và thật sự hiệu quả. Những chính sách an sinh xã hội hướng tới mục tiêu: giảm bớt bất bình đẳng về thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp, giai tầng trong xã hội, phát triển có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội đối với những lực lượng lao động thu nhập thấp và bị tác động tiêu cực khi có những biến động của kinh tế - xã hội. Theo đó cần nhiều biện pháp bảo đảm việc làm, bảo đảm những quyền lợi cơ bản của người lao động. Quan tâm bảo vệ người lao động, nhất là trong khu vực thu hút đầu tư nước ngoài và chú trọng các nhóm lao động là nông dân bị mất đất, lao động di cư, lao động nữ, người nghèo, người bị tai nạn lao động.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm