Cập nhật: 05/05/2011 15:32:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện quyết liệt các chính sách ưu tiên thì kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 11% là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Lạm phát và kiềm chế lạm phát là vấn đề được các đại biểu trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả tại Hội nghị cấp cao kinh doanh tại Việt Nam. Làm thế nào để kiềm chế được lạm phát trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới hiện nay, lại không làm giảm đáng kể mục tiêu phát triển đang là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

 

Khẳng định trước gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị cấp cao kinh doanh tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: Chống lạm phát sẽ tiếp tục là chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 9,64% sau 4 tháng (cao hơn cả chỉ tiêu 7% được Quốc hội phê duyệt cho cả năm) thực sự là một thách thức đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số.

 

Trên thực tế, lạm phát không phải là vấn đề riêng biệt của Việt Nam mà đang trở thành thách thức lớn đối với các nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều nước ở châu Á có mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm qua, như Trung Quốc 5%, Ấn Ðộ 8,2%, Hàn Quốc 4,7%...

 

Tại Hội nghị thường niên của ADB đang diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ lo ngại về xu hướng lạm phát ngày càng gia tăng ở khu vực Châu Á khi mà chỉ số chung của các loại hàng hóa nguyên liệu đã tăng 8% chỉ trong vài tháng do ảnh hưởng từ các chương trình nới lỏng tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2010 và tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

 

Trong bối cảnh kinh tế khu vực đang chuyển từ trạng thái tăng trưởng yếu sang lạm phát cao, nhiều nước đã phải thay đổi lại chính sách kinh tế theo hướng chuyển mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng sang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

 

Ông R. Dubey, chuyên gia đến từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ chia sẻ: “Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp như tăng lãi suất cơ bản, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là những biện pháp cơ bản nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thực hiện các chiến lược trợ giá đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, tăng chi đối với khu vực nông thôn để đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực”.

 

Thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua nâng lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tổng chi nhưng tăng chi cho khu vực nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và an sinh xã hội cho khu vực nông thôn; đưa ra các gói hỗ trợ tài chính để tăng lương cho người lao động bù lạm phát, hỗ trợ cho sinh viên và người thất nghiệp để cải thiện phúc lợi xã hội… là những giải pháp có thể coi là khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á.

 

Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đã phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển theo hướng bền vững và hướng nội, như trong kế hoạch phát triển mới nhất Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng GDP trong 5 năm tới xuống 7%/năm, so với 7,5% trong 5 năm qua. Rõ ràng, vấn đề lạm phát đang đe dọa đến tốc độ tăng trưởng của toàn khu vực, trong đó có cả Việt Nam.

 

Ông Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế của Nhật Bản cho rằng: “Chúng ta đang phải đối phó với những thách thức liên quan đến tăng trưởng, trong đó có lạm phát. Chúng ta phải làm thế nào giải quyết vấn đề này để duy trì tốc độ tăng trưởng. Chúng ta cần phải xây dựng một chính sách công nghiệp, tài chính chủ động. Nhiều nước đã sử dụng chính sách này, nhưng đây vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mới được công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Điều này tạo điều kiện ban đầu cho Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam là có một vị trí có tính chất chiến lược ở khu vực và có nguồn lực con người”.

 

Cũng giống như các nước trong khu vực, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện điều hành để giữ lạm phát năm nay ở mức tương đương với 2010, tức là khoảng 11,75%. Con số này cũng được ông Võ Hồng Phúc đánh giá là “rất căng thẳng” để đạt được trong điều kiện giá cả trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp. Thậm chí, trong báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á đưa ra hồi tháng trước, lạm phát của Việt Nam có thể đạt mức 13,3%.

 

Tuy nhiên, ông Ayumi Konisi, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định, nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện các chính sách ưu tiên như đã tuyên bố, thì kiềm chế lạm phát với con số hơn 11% từ nay đến cuối năm là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng mức tăng trưởng sẽ được dự báo thấp hơn một chút.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm