Cập nhật: 09/05/2011 16:14:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu được triển khai tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành khác, nhưng trước tình hình một số nguyên vật liệu, xăng dầu, điện tăng giá, một mặt bằng giá mới đã và đang hình thành.

Để đối phó với tình hình tăng giá, các nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại đang nỗ lực đàm phán giá với  nhà cung cấp trong khi người tiêu dùng chắt bóp chi tiêu.

 

Điệp khúc... tăng giá

 

Ngay những ngày đầu tiên của tháng 5, các hãng gas như Hồng Hà gas, Saigon Petro, Ngọn lửa thần... lần lượt thông báo điều chỉnh giá mới với mức tăng 28.000 - 30.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng (NTD) phổ biến ở mức từ 377.000 – 400.000 đồng/bình (loại 12kg). Đây là lần tăng giá gas thứ năm liên tiếp kể từ đầu năm 2011 đến nay. Theo ông Lê Phúc Đại – TGĐ Cty CP năng lượng Vinagas: “Nguyên nhân của việc điều chỉnh giá gas lần này là do giá gas trên thị trường thế giới giao trong tháng 5 đã công bố tăng thêm 87,5USD/tấn so với tháng 4, đạt mức 970USD/tấn.

Rau củ quả ở các chợ cũng tăng giá. Ảnh: Giang Huy

Rau củ quả ở các chợ cũng tăng giá. Ảnh: Giang Huy

 

Với mức tăng giá như trên, giá gas bán lẻ trong nước tháng 5 này đạt mức cao kỷ lục nhất từ trước đến nay. Nếu so với mức giá gas trong tháng 4, giá gas hiện nay tăng thêm gần 9% chỉ trong vòng 1 tháng và tăng khoảng 15% trong 3 tháng gần đây”.

 

Mặt hàng thuốc tân dược cũng bắt đầu tăng giá mạnh từ tháng 5. Nếu như Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN thống kê từ đầu năm đến nay đã có hơn 70% tổng số mặt hàng thuốc tây tăng giá, thì theo một số chủ kiốt bán thuốc tại Trung tâm kinh doanh thuốc Giảng Võ (Hà Nội), các mặt hàng thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh thông thường, thuốc tim mạch, xương, khớp... tăng thêm khoảng từ 8 – 10% từ 1.5.

 

Ngay trong những ngày cuối tháng 4, NXB Giáo dục cũng chính thức thông báo về việc điều chỉnh giá bìa 193 tên sách in lưu chiểu. Theo đó tỉ lệ tăng giá chung sách giáo khoa các cấp là 16,9% với nguyên nhân giá nguyên liệu, vận chuyển, in ấn đều tăng. Một số đại lý sữa bột nhập ngoại khuyến cáo một vài nhãn hàng sữa bột có nhiều khả năng tăng khoảng 5% vào tháng 5 này.

 

Nếu như rau, củ, quả có xu hướng giảm giá do thời tiết thuận lợi, lương thực đứng ở mức cao và chưa có xu hướng giảm thì nhóm hàng thực phẩm vẫn liên tục nhích giá. Tính đến thời điểm đầu tháng 5, giá thịt lợn hơi móc hàm tại các lò mổ đã tăng từ 73.000đồng/kg lên 76.000 – 78.000đồng/kg, đẩy giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ phổ biến ở mức 90.000 – 125.000đồng/kg. Giá các loại gia cầm như gà, vịt, ngan trung bình tăng khoảng 5%. Có lẽ mức tăng cao nhất là các loại cá, tôm, đồ biển với mức tăng xấp xỉ 10%. Cá chép các loại 80.000 – 85.000đồng/kg, cá điêu hồng 85.000 - 90.000đồng/kg, cá thu biển cắt khúc: 180.000 – 185.000đồng/kg, cá nụ: 50.000đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg: 260.000 – 280.000đồng/kg...

 

Siêu thị cũng rục rịch tăng giá

 

Theo các siêu thị, mặc dù từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa đã lần lượt có đợt điều chỉnh giá, nhưng bước sang tháng 5, các siêu thị vẫn tiếp tục nhận được những thông báo tăng giá với mức tăng từ 5 – 20%.

 

Đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết: Nhóm sản phẩm được đề nghị tăng giá nhiều nhất là sữa, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, hàng tiêu dùng... Hiện nay, hệ thống siêu thị BigC vẫn đang tiếp tục đàm phán giá với các nhà cung cấp để đi đến một mức giá hợp lý, nên trên một số kệ hàng của hệ thống siêu thị này vẫn còn các ô trống đối với những mặt hàng siêu thị từ chối yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp. Trong khi đó, tại các siêu thị khác, một số mặt hàng đã và đang được thay giá bán mới.

 

Bà Nguyễn Phương Thảo – GĐ siêu thị Maximart Cộng Hòa xác nhận: “Trong tháng 5 này có khá nhiều mặt hàng, với khoảng hơn một trăm mặt hàng thực hiện điều chỉnh giá bán. Hầu hết các mặt hàng điều chỉnh giá bán này được các nhà cung cấp thông báo điều chỉnh giá từ trong tháng 4 và nay mới áp dụng mức giá mới”.

Dạo quanh các siêu thị hiện nay có thể thấy, mặc dù siêu thị nào cũng đang tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá và chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu, mức giá hiện nay mà các DN TPHCM được vay Quỹ Bình ổn giá vẫn cao hơn so với giá vào thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Chẳng hạn như mặt hàng đường áp dụng chương trình bình ổn giá năm 2010 bán đến hết 31.3 là 18.500đồng/kg, thì nay giá đường bình ổn tăng lên 21.500đồng/kg. Mặt hàng có mức tăng giá khá cao là các loại dầu ăn. Dù dầu ăn có trong danh sách hàng bình ổn giá, nhưng loại dầu đậu nành đang được nhiều NTD ưa chuộng không thuộc danh sách này có mức tăng mạnh, đang được bán giá từ 41.000 – 43.500 đồng/lít.

 

Các siêu thị cũng nhận được yêu cầu điều chỉnh giá của các nhà cung cấp đồ hộp, bánh kẹo nhập ngoại, hóa mỹ phẩm với mức tăng thêm 5 – 10% mặc dù tỉ giá ngoại tệ hiện nay đang có xu hướng giảm nhẹ so với trước đây.

 

 

Báo Laodong Điện tử.

Tệp đính kèm