Cập nhật: 21/05/2011 20:37:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vàng trộn Vonfram và một số kim loại nặng khác đã được nhập vào Việt Nam với bề ngoài giống hệt vàng thật, và có thể "ăn gian" của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng 7-10 triệu đồng mỗi lượng.

Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, xác nhận thông tin này với báo chí chiều nay (20/5).

 

"Tôi liên tục nhận được điện thoại của các đồng nghiệp kinh doanh vàng hỏi về siêu phẩm vàng trộn lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam này. Họ nhờ tôi tư vấn cách phân biệt", ông Châu nói.

 

Ông Châu gọi loại vàng độn này là siêu phẩm, bởi Vonfram cùng một số kim loại nặng khác được trộn một cách tinh vi vào vàng đang trong quá trình nóng chảy, có thể qua mắt các thợ kim hoàn lành nghề, thậm chí hầu hết các loại máy đo tuổi vàng của Việt Nam hiện nay cũng không phát hiện ra.

 

Theo mô tả của các doanh nghiệp, loại vàng này được nhập vào Việt Nam trong giai đoạn tháng 3-4, dưới dạng vàng khối tiêu chuẩn 1-2,5kg, có đóng giả nhãn mác của một số thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Đầu mối rao bán giới thiệu đây là vàng 4 số 9 (hàm lượng 99,99% Au) xuất xứ từ Hong Kong. Một số chủ tiệm kim hoàn chủ quan đã mua loại vàng này, khi đưa vào máy thử vẫn cho kết quả đúng là vàng 4 số 9. Chỉ đến khi nung chảy phân kim, người ta mới biết hàm lượng vàng chỉ chiếm 60-80%, còn lại là chất lắng cặn như cát mịn.

 

Vàng trộn Vonfram rất khó phân biệt bằng mắt thường. Túi bột màu xám phía trên ảnh là hỗn hợp kim loại với thành phần chính là Vonfram. Bên dưới là hai mẫu vàng pha kim loại nặng (trái) và vàng nguyên chất (phải), chúng không khác nhau về hình thức bên ngoài.

 

Kết quả phân tích tại các phòng thí nghiệm nước ngoài cho thấy chất lắng cặn này có thành phần chủ yếu là Vonfram, một dạng kim loại rất cứng và nặng, có độ nóng chảy cao hơn rất nhiều so với vàng. Ông Châu cho biết, giá một chỉ Vonfram tinh khiết hiện chỉ vào khoảng 100.000 đồng. Và với tỷ lệ pha trộn 10-30% Vonfram, kẻ gian có thể bớt được 1-3 chỉ trong mỗi lượng vàng. Giá vàng miếng 4 số 9 hiện trên 37 triệu đồng một cây, nếu mua phải loại vàng trộn này, doanh nghiệp người tiêu dùng có thể thiệt hại tới 10 triệu đồng mỗi cây.

 

Ông Châu cho biết hiện thiệt hại mới dừng ở các doanh nghiệp, chủ yếu là những đơn vị thiếu kinh nghiệm đã mua phải vàng trộn. Chưa có trường hợp khách hàng nào đi khiếu nại vì mua phải sản phẩm tương tự.

 

Tuy nhiên, theo ông Châu, cùng với chủ trương siết kinh doanh vàng miếng của Chính phủ, thông tin vàng trộn Vonfram đã giáng thêm một đòn chí tử với các doanh nghiệp kim hoàn. Doanh số mua bán vàng miếng tại nhiều doanh nghiệp giảm một nửa so với trước, thậm chí có đơn vị chỉ còn 30-40%, đứng trước nguy cơ đóng cửa, hoặc chuyển nghề.

 

"Có thể gọi đây là thời điểm khủng hoảng với kinh doanh vàng miếng trong nước", ông Châu nói.

 

Cuối năm ngoái, thông tin về vàng giả siêu cấp gây xôn xao thị trường Hong Kong, nơi cung ứng một lượng lớn vàng miếng cho khu vực châu Á. Loại vàng này được trộn với 7 kim loại khác nhau và rất khó phát hiện bằng mắt thường cũng như máy móc. Các doanh nghiệp vàng lớn trong nước lúc đó khẳng định vàng giả Hong Kong rất khó vào Việt Nam.

 

Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu không có thông tin về việc loại vàng trộn Vonfram hiện nay có xuất xứ từ đâu, chỉ cho biết trong nước hiện chưa có công nghệ nung chảy Vonfram để có thể trộn vào vàng. Theo ông Châu, sắp tới, các doanh nghiệp vàng sẽ phải nâng cấp phần mềm cho máy móc hiện nay để nhận biết Vonfram trong vàng.

 

Vonfram được trộn vào vàng theo 2 cách phổ biến, một là trộn bột Vonfram vào vàng đang nóng chảy, hoặc dùng vàng nóng chảy đúc bao quanh một khối Vonfram ở bên trong.

 

Vàng trộn Vonfram rất khó phát hiện bằng mắt thường cũng như máy móc. Vì vậy người tiêu dùng được khuyến cáo nên mua vàng thương hiệu uy tín, có hóa đơn, biên nhận trong đó có ghi số seri, mã hiệu tuổi vàng, nhằm bảo vệ chính mình khi có sự cố.

 

Một số cách phân biệt giữa vàng hàm lượng cao với vàng độn Vonfram:

 

- Cán mỏng và đánh bóng cho đến khi xuất hiện những hạt kim loại lạ nổi lên lấm tấm. Vàng thật không có hiện tượng này

 

- Vàng nguyên chất bẻ cong sẽ thấy mềm hơn, khi gõ vào vật cứng khác sẽ phát tiếng kêu cạch cạch và đục. Trong khi vàng độn khó bẻ cong vì cứng, gõ vào vật cứng khác sẽ có tiếng kêu ngân

 

- Xi chảy tại một điểm bất kỳ trên miếng vàng độn sẽ thấy váng đỏ loang ra, và sẽ tạo thành sạn khi nguội chứ không bóng trở lại như vàng miếng

 

- Phân kim: Sau quá trình phân kim, nếu là vàng độn Vonfram, sẽ còn một lớp bột màu xám lắng ở đáy bình.

 

 

 

Theo VnExpress

Tệp đính kèm