Cập nhật: 01/06/2011 16:13:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường với thời hạn điều chỉnh tối thiểu 3 tháng/lần, đa số doanh nghiệp và người dân lo ngại có thể sẽ có đợt điều chỉnh giá điện tăng từ hôm nay - bởi đây là thời điểm Quyết định này có hiệu lực.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do khiến giá điện chưa thể tăng trong ngắn hạn, nhất là trong tình hình hiện nay...

 

Yếu tố tiên quyết để có thể điều chỉnh tăng giá điện - được quy định tại Quyết định số 24 (về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường) của Chính phủ - đó là khi giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán có biến động tăng so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức 5%... Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, những yếu tố này không có biến động lớn trong thời gian gần đây, thậm chí có chiều hướng thuận lợi hơn cho việc phát điện và do vậy sẽ không có đủ căn cứ để điều chỉnh tăng giá điện từ 1.6. Giá xăng dầu ở mức khá ổn định, thậm chí một số thời điểm còn xuống. Nguồn than thì vấn đề không phải giá quốc tế định được giá cho nên chúng ta chưa phải có thị trường cạnh tranh để mà xác định thế nào là giá thị trường. Và xét về mặt khí hậu thì nguồn nước nhiều, không có báo động như các năm trước ở các  thủy điện... Vì thế yếu tố liên quan đến việc tăng 5% giá thành của việc phát điện rõ ràng là không bị ảnh hưởng lớn cả về giá thành, cả về cơ cấu phát nguồn điện...

 

Thực tế cũng cho thấy không có biến động lớn về chi phí giá thành phát điện trong mùa khô này bởi một thực tế rõ ràng là từ đầu năm đến nay, các nguồn phát điện có giá huy động thấp và trung bình như thủy điện và nhiệt điện chạy than trên hệ thống điện quốc gia vận hành khá ổn định nên không phải huy động các nguồn điện chạy dầu có giá thành cao như năm ngoái. Trong khi đó, Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương khẳng định, sẽ bảo đảm đủ nhu cầu điện trong cả 3 tháng mùa khô, đặc biệt là tình hình cung ứng điện trong tháng 6 này rất khả quan bởi các hồ thủy điện chiến lược ở miền Bắc và miền Trung như Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Ialy... đã có lũ tiểu mãn từ giữa tháng 5 và dự báo khả thi lũ chính vụ cũng sẽ về trong tháng 6 này.

 

Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Thành, mức nước về hồ Hòa Bình đang được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, nguồn nước ở hồ Hòa Bình khá ổn định, ở mức gần 86m, đủ để phát điện khả dụng cả 8 tổ máy, với công suất 25- 30 triệu kWh/ngày. Hiện nay thủy điện Sơn La xả 2 cửa xả và chạy 2 tổ máy, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình đạt gần 4.000m3/s cho nên cũng cải thiện được vấn đề phát điện cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Trong thời gian tới, khi mùa lũ thì nước cũng sẽ về tương đối nhiều. Theo dự báo từ trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thì lũ có thể về tốt hơn. Và theo quy luật thì tháng 6 lũ sẽ về. Hiện nay thời tiết có xu hướng mưa sớm hơn thì khả năng sẽ cải thiện hơn so với năm ngoái.

 

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cũng khẳng định, chưa có căn cứ pháp lý để ngành điện lấy làm căn cứ thực hiện theo quyết định 24 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường của Thủ tướng Chính phủ. Về mặt lý thuyết, cứ 3 tháng là có quyền điều chỉnh nhưng Tập đoàn phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công thương hướng dẫn cách tính giá điện. Nhưng hiện nay thông tư vẫn đang dự thảo…

 

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện năng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, chưa có chuyện tăng giá điện trong ngắn hạn, dù hiện nay ngành điện vẫn còn rất nhiều khó khăn do đợt điều chỉnh tăng giá điện từ tháng 3 vừa rồi lên mức 15,28% - nhiều chi phí đã chi ra từ những năm trước chưa được tính vào giá bán điện. Do vậy, tại thời điểm này thì cũng chưa có cơ sở để khẳnh định đến 1.6 thì giá điện sẽ tăng.

 

Còn một lý do cơ bản được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến cáo không nên điều chỉnh giá điện trong ngắn hạn, đặc biệt là trong năm 2011, nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Trong thời gian trước mắt, nhất là trong bối cảnh lạm phát còn cao thì ngành điện không nên điều chỉnh và các cơ quan giám sát cũng nên tăng cường chức năng giám sát để bảo đảm những chi phí mà ngành điện sau này nếu trình trong các phương án điều chỉnh là 5% hay trên/dưới 5% cũng phải bảo đảm tính khách quan..

 

Có thể thấy có 3 yếu tố cơ bản, tình hình cung ứng điện đang diễn biến khá thuận lợi với nguồn thủy điện giá rẻ đang được huy động tối đa do các hồ thủy điện có nước, nhiều nhà máy nhiệt điện than mới cũng được đưa vào vận hành khá ổn định; cùng với đó là không có sự biến động về giá của các nguồn nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí… và tỷ giá đồng ngoại tệ so với VNĐ đang có xu hướng giảm… Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá điện chưa thể tăng trong ngắn hạn, nhất là thời điểm này - khi quyết định 24 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường của Chính phủ có hiệu lực.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm