Cập nhật: 12/06/2011 16:42:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Diễn biến thị trường tiền tệ liên tiếp trong những ngày qua đã chứng minh một điều: các biện pháp điều hành chính sách theo hướng mệnh lệnh hành chính đã phát huy tác dụng.

Sức nóng về lãi suất đã bắt đầu giảm nhiệt và có dấu hiệu sẽ được cải thiện khi các dòng tiền đang được Ngân hàng Nhà nước nắn chỉnh theo đúng hướng và các dấu hiệu về kinh tế vĩ mô tốt lên. Tuy nhiên, vòng xoáy lãi suất và lạm phát sẽ tiếp diễn nếu như điều hành không khéo.

 

Điều đầu tiên phải thừa nhận là chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ cuối năm ngoái cho đến giờ đã được 6-7 tháng và thực sự ngấm đối với mọi đối tượng, mọi lĩnh vực từ kinh doanh chứng khoán, đến bất động sản, đến sản xuất… Sức chịu đựng lãi suất cao của nền kinh tế đã và đang bị thử thách thực sự. Thiếu vốn, cả thị trường chứng khoán lẫn bất động sản nhanh chóng rơi vào trạng thái mất động lực để phát triển. Chứng khoán liên tiếp giảm sàn và chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy hồi phục. Bất động sản thì được các chuyên gia ví như quả bóng bị xì hơi. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lao đao không thể mở rộng được sản xuất, thậm chí duy trì sản xuất cũng đã khó vì lãi suất vay vốn ngân hàng đang ở mức cao từ 20% - 22%/năm.

 

Ngân hàng Nhà nước đang phải chịu áp lực của doanh nghiệp đó là đòi hỏi cung ứng tín dụng cao hơn, lãi suất thấp hơn thì mới sản xuất hoặc đẩy mạnh sản xuất. Đó là đòi hỏi chính đáng. Tuy vậy, cái khó kể cả về lý thuyết và thực tế là ở chỗ: lạm phát đã tiến đến mức 2 con số thì lãi suất thấp là điều gần như không thể. Lúc này câu chuyện hài hòa và cân đối như thế nào với lãi suất và lạm phát để tránh những vòng xoáy liên tục được đặt ra cấp thiết và cần có lời giải khoa học.

 

Song trước khi tính đến các giải pháp đó, cũng cần xem xét đến một thực tế: lãi suất cho vay thấp đi là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, bởi trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp đồng vốn chủ yếu là đi vay. Đã có một thống kê, nhìn vào bảng cân đối kế toán thực chất của các doanh nghiệp thì có tới 70% - 80% là vốn đi vay, do vậy không chủ động được vốn mà hoàn toàn bị động kiểu kinh doanh nước nổi thì bèo nổi do đó ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế vĩ mô. Chính vì thế, doanh nghiệp gần như không thể tìm kiếm được tỷ suất lợi nhuận vượt  trên mức trung bình từ 20% hiện tại để trả lãi  vay ngân hàng.

 

Doanh nghiệp thì như thế, còn về phía ngân hàng, một thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ quốc gia phải thừa nhận một thực tế là, các ngân hàng khi lách luật huy động vốn cao như trong thời gian qua sẽ mắc bệnh hạch toán che dấu, một căn bệnh nguy hiểm và khó chữa đối với hệ thống tài chính- ngân hàng.

 

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp mạnh để đạt mục tiêu nắn chỉnh dòng vốn vào khu vực sản xuất theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Dòng vốn đã chảy vào nền kinh tế thực thay vì chạy lòng vòng từ thị trường này sang thị trường khác như thời gian trước. Các kênh đầu tư vàng, USD, chứng khoán, bất động sản… đã bị thắt lại với yêu cầu, các ngân hàng thương mại cuối tháng 6 này phải đưa tỷ lệ tín dụng phi sản xuất về dưới mức 20%.

 

Thêm nữa, một loạt chính sách thắt chặt thêm thị trường ngoại hối và tín dụng ngoại tệ, song hành với việc mở rộng các kênh bơm vốn VNĐ với các thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn hơn 70.000 tỷ đồng cho một số ngân hàng, bơm gần 21.000 tỷ đồng thông qua việc mua vào 1 tỷ USD hay quyết định tăng lãi suất thị trường mở lên 15%, nhằm tránh hiện tượng đầu cơ kiếm lợi của các ngân hàng  lớn đối với ngân hàng nhỏ đang tạo cơ hội cho hệ thống ngân hàng cải thiện thanh khoản tiền đồng và là điều kiện thuận lợi  nhằm  tăng cường tín dụng tiền đồng  từ nay đến cuối năm.

 

Những tín hiệu về việc giảm nhẹ lãi vay ở một vài ngân hàng đã bắt đầu xuất hiện, báo hiệu một điểm rơi lãi suất tiền đồng mà theo đánh giá của các chuyên gia có thể xuất hiện trong 1, 2 tháng tới. Nhận định này có thêm cơ sở khi ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ nhận định, điều kiện vĩ mô đang tốt lên, lạm phát đang giảm, từ đó có thể thấy chúng ta đang có điều kiện để giảm lãi suất. Vấn đề còn lại là cân đối giữa lạm phát và lãi suất như thế nào để tránh vòng xoáy có thể lặp lại, từ đó tối ưu hóa mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như Chính phủ đang hướng tới.

 

 

 

Theo Đức Thành/Báo điện tử ĐBND

 

Tệp đính kèm