Cập nhật: 25/06/2011 10:18:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mức bình quân 15% được tính theo con số vừa được cơ quan chức năng cập nhật, trong khi trần lãi suất huy động VND là 14%

Mức bình quân khoảng 15%/năm được tính theo con số vừa được cơ quan chức năng cập nhật, trong khi trần lãi suất huy động VND thời gian qua và hiện nay là 14%/năm.

 

Ngày 24/6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có cuộc họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2011.

 

Một tài liệu phục vụ cho cuộc họp trên là Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các nhiệm vụ, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Theo đánh giá trong tài liệu này, mặt bằng lãi suất ở mức cao và ảnh hưởng của nó đến sản xuất kinh doanh là một trong những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế bên cạnh những kết quả đã đạt được.

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng rằng: “Lãi suất huy động vốn bình quân tăng khoảng 3% so với cuối năm 2010 (năm 2010 bình quân khoảng 12%/năm). Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn (khoảng 3-4%)”.

 

Tham khảo cho chi tiết trên, dữ liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động VND bình quân cuối năm 2010 ở mức 12,44%/năm.

 

Từ những con số trên, một tính toán thông thường cho thấy lãi suất huy động VND bình quân của các ngân hàng thương mại là khoảng từ 15% - 15,5%/năm, được đề cập một cách chính thức từ báo cáo của cơ quan chức năng, thay vì trong các thông tin phản ánh thời gian qua. Đáng chú ý là, khi tính “bình quân” đồng nghĩa với thực tế còn có những mức cao hơn.

 

Thế nhưng, theo Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 3/3/2011, lãi suất huy động VND của các tổ chức tín dụng tối đa là 14%/năm, có hiệu lực cùng ngày ban hành và áp dụng cho đến nay.

 

Một lần nữa, trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước lại “va” với thực tế thị trường - theo ghi nhận từ báo cáo trên.

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nêu chi tiết thêm về tình hình lãi suất, bên cạnh nhận định: “Theo đánh giá chung, mặt bằng lãi suất tuy đã có dấu hiệu giảm nhưng còn cao và đang vượt quá khả năng chịu đựng của một bộ phận doanh nghiệp. Cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để từng bước giảm lãi suất, khôi phục môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh…”. Và lãi suất cao cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

 

Trở lại với cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 24/6, lãi suất cao và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn cũng là một nội dung được thảo luận.

 

Là chủ doanh nghiệp, đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cho rằng “ngân hàng đang hạch toán hai sổ nên trần lãi suất 14%/năm nhưng lãi suất thực là 17-18%/năm. Quyết định hành chính làm méo mó hạch toán trong doanh nghiệp”.

 

Ông Việt cũng đưa ra nhận xét “lòng tin của nhân dân giảm khi tiền không đưa vào sản xuất, lưu thông mà chủ yếu chuyển qua tích trữ vàng, USD, đất đai…”.

 

Cũng liên quan đến những khó khăn của doanh nghiệp trong điều kiện lãi suất cao, TS. Trần Du Lịch cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi quan điểm từ tăng trưởng sang quan điểm trụ vững.

 

“Phải cắn răng chịu, không để áp lực như năm 2010. Trong thời gian trước do áp lực đã nới lỏng chính sách tiền tệ, gây hậu quả cho năm 2011”, ông Lịch nói.

 

Còn về trần lãi suất hiện nay, ông Lịch phát biểu: “Không nên bỏ trần lãi suất mà chỉ bỏ khi nới tín dụng, để tiến tới thả lãi suất theo diễn biến thị trường. Với CPI giảm thì có thể giảm lãi suất để đỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

 

Ở hướng này, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh quan điểm điều hành rằng, lãi suất sẽ bám sát tín hiệu của lạm phát. Khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để tác động tới lãi suất, thậm chí sử dụng cả biện pháp hành chính.

 

 

 

Theo Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam

Tệp đính kèm