Thời hạn mà các ngân hàng thương mại phải đưa tỷ trọng cho vay phi sản xuất trong tổng dư nợ về dưới 22% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước sắp đến gần. Sức ép thực thi yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đối với một số ngân hàng đã khá căng thẳng từ hơn 1 tháng trở lại đây, không ít ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng lại có có tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất cao.
Thời gian gầy đây các ngân hàng đã phải chạy nước rút để tăng tốc cơ cấu lại nợ vay cũng như thu hồi nợ cũ, nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Hạn chế phi sản xuất được coi là định hướng đúng đắn trong bối cảnh thiếu vốn cho sản xuất. Các chuyên gia đều ủng hộ việc thực hiện kiên quyết quy định này. Và có thể nói, chủ trương giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất, trong đó nhấn mạnh nhất là bất động sản và chứng khoán đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng một kịch bản rõ ràng và yêu cầu thực hiện khá sớm. Theo ước tính, có ít nhất 24 ngân hàng sẽ phải tiến hành cơ cấu lại dư nợ khi đang có tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 26% trở lên. Cho đến cuối tháng 5 vừa rồi vẫn còn 18 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đang có dự nợ phi sản xuất cao hơn 22%, trong đó có 9 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất trên 30%.
Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại buổi họp báo ngày 1.3.2011, tính đến cuối tháng 2.2011, tổng dư nợ của lĩnh vực phi sản xuất của hệ thống là 431.000 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ tín dụng; trong 42 tổ chức tín dụng, có 18 tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất từ 25% trở xuống; 24 tổ chức tín dụng còn lại có tỷ trọng cao hơn.
Mối quan tâm lúc này là gần 20 ngân hàng đó có kịp rút dư nợ phi sản xuất về đúng mức và đúng hạn hay không? Đúng là yêu cầu giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất được Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu tháng 3.2011, các ngân hàng có thời gian để điều chỉnh theo hạn đến 30.6. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, giảm tỷ lệ tín dụng phi sản xuất đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành từ đầu tháng 3, nên các ngân hàng có đủ thời gian để giảm dần dư nợ tín dụng phi sản xuất vào cuối tháng 6. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình đó hẳn Ngân hàng Nhà nước đã tính toán để có sự hợp lý, trên cơ sở tổng hợp và phân tích tình hình dư nợ của hệ thống. Nhưng, với mỗi ngân hàng thành viên chưa hẳn đã phù hợp. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần xin giấu tên cho biết, ngân hàng đang kẹt với yêu cầu là giới hạn tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ được phép ở mức 20% và thu hẹp dư nợ lĩnh vực phi sản xuất xuống 22% thì khó khăn sẽ không nhỏ cho các ngân hàng nhỏ và vừa. trong khi, đa phần các ngân hàng nhỏ đang có mức dư nợ khoảng 28% - 35% đối với lĩnh vực phi sản xuất.
Một số ngân hàng khác lại cho rằng, khó khăn nhất là việc giảm tỷ lệ tín dụng đối với các khoản vay bất động sản. Thu hồi các khoản vay như chứng khoán, tiêu dùng... không phải là vấn đề quá khó vì đây là các khoản vay ngắn hạn, tài sản thế chấp là các loại hàng hóa mà ngân hàng có thể nhanh chóng phát mãi để thu hồi vốn. Tuy nhiên, với các khoản vay đầu tư bất động sản khiến ngân hàng phải tính toán vì phần lớn các khoản vay này là trung và dài hạn hàng chục năm, ngắn thì cũng phải 2 - 3 năm chính vì thế không thể dừng lại được. Vấn đề là chỉ dừng ở những dự án mới.
Một vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện quy định này là hiện chưa có tiêu chí rõ ràng để phân biệt tín dụng sản xuất và phi sản xuất. Đơn cử như tín dụng bất động sản được xem là thuộc phi sản xuất, nhưng thực tế có nhiều khoản vay bất động sản nhằm phục vụ sản xuất như xây dựng cơ sở hạ tầng.
Việc các ngân hàng nhỏ đang phải đua thời gian thu hẹp tỷ trọng dư nợ phi sản xuất cũng như kiểm soát mức tăng trưởng dư nợ tín dụng nói chung về mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là khá đối lập với tâm thế bình thản của các ngân hàng lớn hiện nay, bởi tại các ngân hàng này, mức tăng trưởng dư nợ hàng năm vốn không lớn và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất cũng không cao. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, sẽ không lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tín dụng phi sản xuất 22% trên tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 6 này. Ngân hàng Nhà nước sẽ có chế tài xử lý với tất cả các ngân hàng không tuân thủ quy định đúng thời hạn. Cụ thể là các ngân hàng chưa thực hiện giảm được tỷ trọng yêu cầu theo lộ trình, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng đó và áp dụng biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.
Theo Đức Thành Báo Điện tử ĐBND