Cập nhật: 01/07/2011 16:29:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả cho nền kinh tế, xây dựng và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Trong đó, vai trò của các nhà phân phối được quan tâm đặc biệt vì đây là kênh đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Vậy hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại nhất hiện nay có thể làm gì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

 

Mặc dù hiện tại mạng lưới bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 18% - 20% thị phần bán lẻ trong cả nước, song theo dự báo của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đến năm 2020, mạng lưới bán lẻ hiện đại sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 30% - 40% trên thị trường bán lẻ nước ta. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 30% - 40% lượt người tiêu dùng sẽ mua bán và chịu sự chi phối quyền lợi thông qua mạng lưới này. Tuy nhiên, trên thực tế, tính đến thời điểm này, ngay cả ở những điểm bán hàng hiện đại bậc nhất ở nước ta, quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị xâm phạm với tình trạng trà trộn hàng kém phẩm chất, nâng giá, khuyến mãi nhập nhèm… Bởi vậy, việc nâng cao trách nhiệm của các nhà phân phối hiện đại sẽ mang ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Các siêu thị lớn như Big C, Metro, Hapro, Co-op mart… đều có quy định khá nghiêm túc về  việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì những đơn vị này đều xác định: khách hàng là người trả lương cho mình. Giám đốc siêu thị Co-op mart Sài Gòn Nguyễn Tiến Dũng cho biết: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quan điểm của siêu thị không chỉ là giải quyết thấu đáo các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, mà còn bắt đầu ngay từ khâu lựa chọn hàng hóa. Doanh nghiệp thường lựa chọn nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn ISO 14000 hoặc hàng Việt Nam chất lượng cao để đưa hàng vào siêu thị nhằm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa trong siêu thị.

 

Tương tự, với siêu thị Big C, một động thái được người tiêu dùng đánh giá cao thời gian vừa qua là việc siêu thị này đã từ chối yêu cầu tăng giá vô lý của một số nhà cung cấp, bất chấp việc kệ hàng trống. Đại diện của siêu thị Big C cho biết, doanh nghiệp đã xem xét đến các yếu tố cấu thành nên giá thành sản phẩm để đi đến quyết định đó. Sau đó các nhà cung cấp đã có sự điều chỉnh giá hợp lý, không tăng giá quá cao.

 

Đây là những nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ, nhưng bảo vệ người tiêu dùng thực chất là một phạm trù rộng. Người tiêu dùng cần được bảo vệ không chỉ ở việc tránh mua lầm hàng nhái, hàng giả, hàng kém phẩm chất; không bị mua đắt; mà còn mong muốn được phục vụ chu đáo, lịch sự, được tôn trọng. Đáng tiếc là điều này chưa được các siêu thị quan tâm đúng mức nên công tác đào tạo thái độ phục vụ cho nhân viên vẫn chưa đầy đủ, và nhân viên bán lẻ - từ bảo vệ, trông xe đến người bán hàng - vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp bán lẻ. Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú bảo vệ người tiêu dùng là tổng hòa của nhiều giải pháp. Do đó, Nhà nước cần quan tâm đến quy hoạch hệ thống phân phối, đầu tư cho sản xuất, tổng điều tra rà soát hệ thống phân phối, làm tốt công tác quản lý thị trường.

 

Theo đánh giá chung của các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng thì việc kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại dễ dàng hơn ở hệ thống bán lẻ truyền thống bởi hàng hóa được kiểm soát nguồn gốc và giá cả kỹ hơn, có thương thảo và hợp đồng rõ ràng hơn. Các siêu thị có đầy đủ điều kiện hơn trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, nếu muốn. Nhưng theo Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức để tự bảo vệ mình, không nên bảo vệ quyền lợi của mình một cách thụ động. Kết quả một cuộc điều tra mới đây cho thấy 50% số người được hỏi không biết quyền của người tiêu dùng gồm những gì thì rất khó để các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể có thể can thiệp.

 

 

 

Theo Tố Uyên/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm