Cập nhật: 15/07/2011 16:37:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá thực phẩm tăng mạnh trong thời gian vừa qua là do thiếu nguồn cung tạm thời. Để ổn định giá thực phẩm về lâu dài đòi hỏi phải phát triển chăn nuôi một cách bền vững. Theo đó, phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu đàn gia súc, gia cầm, có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi…

Đó là những giải pháp đã được các nhà quản lý đưa ra tại cuộc họp về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm và biện pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi 6 tháng cuối năm do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, diễn ra hôm nay (14/7) tại Hà Nội.

 

Giá thực phẩm có thể giảm từ cuối tháng 8

 

Tại hội nghị, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, có ba nguyên nhân chính làm tăng giá sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm. Thứ nhất, chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá thực phẩm tăng. Thứ hai, mất cân đối cung cầu tại một số thời điểm và cục bộ một số vùng nên đã làm thiết hụt thực phẩm tạm thời dẫn đến tăng giá. Thứ ba, khâu lưu thông phân phối phần lớn do thương lái quyết định dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại chuồng và giá đến tay người tiêu dùng cho nên giá đã tăng cao.

 

“Do việc thiếu hụt thực phẩm chỉ là tạm thời nên trong thời gian tới sự thiếu hụt này sẽ được bổ sung và dự báo trong tháng 8 tới giá thực phẩm có thể giảm” – ông Hoàng Kim Giao nhấn mạnh.

 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Trong thời gian qua, giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng cao nhất là giá thịt lợn. Nguyên nhân gây ra áp lực tăng giá như hiện nay là do ảnh hưởng của dịch bệnh cuối năm 2010, nên tình hình sản xuất chăn nuôi không đều giữa các vùng đã xảy ra sự thiếu hụt cục bộ và đẩy giá tăng cao.

 

Được biết, hiện Cục Chăn nuôi đang tích cực vận động người chăn nuôi đầu tư, thúc đẩy tăng đàn gia súc, đồng thời sẽ không lơ là trong việc giám sát chất lượng con giống, vận chuyển gia súc… từ đó để có thể tác động giảm giá thành thực phẩm. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, do dịch bệnh không còn, chăn nuôi phát triển ổn định hơn nên chiều hướng giảm giá sẽ xuất hiện từ cuối tháng 8. Cụ thể, thị trường thịt trong nước sẽ thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn từ 10 – 15%.

 

Có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi

 

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định từ nay đến cuối năm không lo thiếu thịt vì dịch bệnh đã chấm dứt. Hiện Cục chăn nuôi đang khuyến khích người chăn nuôi tăng đàn gia súc, đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống tăng giá bất hợp lý….

 

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài các đại biểu cho rằng cần phải có quy hoạch tổng thể vùng chăn nuôi, có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi… Theo ông Lê Văn Mẽ, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Sơn, chuyên sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, thủy sản, thì cần phải có sự hỗ trợ cho những người chăn nuôi đề họ được tiếp cận đồng vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật… từ đó phát triển chăn nuôi một cách chuyên nghiệp.

 

Đồng thuận với ý kiến hỗ trợ cho người chăn nuôi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, ông Chung Kim, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Long, chuyên cung cấp lợn giống cao sản lại đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay thành lập quỹ bình ổn và tổ tư vấn, kiểm soát dịch bệnh, tránh để hỗ trợ cho người nông dân trong chăn nuôi.

 

Một giải pháp dài hạn khác được nêu ra tại cuộc họp là tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm thịt lợn, tăng thịt gia cầm, ổn định gia súc ăn cỏ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quy hoạch vùng chăn nuôi, đặc biệt ưu tiên đối với phát triển chăn nuôi quy mô lớn là các trang trại và gắn với cơ sở giết mổ công nghiệp. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch rõ ràng sẽ góp phần chấm dứt tình trạng phân tâm về việc tái đàn như hiện nay.

 

Cục Chăn nuôi cho biết sẽ ghi nhận và tập hợp các ý kiến tại cuộc họp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi.

 

 

 

Theo Phạm Hằng/ Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm