Năm 2011 đã đi qua 7 tháng, với nhiều kết quả tích cực- những điểm sáng về kinh tế-xã hội, đồng thời cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Kết quả tích cực, điểm sáng nhất là xuất khẩu. Xuất khẩu đã đạt được nhiều sự vượt trội. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 đạt kết quả cao so với mức bình quân 6 tháng trước đó (8,4 tỷ USD so với 7,18 tỷ USD). Tính chung 7 tháng ước đạt 51,46 tỷ USD, tăng 33,5%, hay tăng tới 12,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất từ trước tới nay, lớn hơn mức xuất khẩu cả năm 2007 (48,6 tỷ USD).
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu, nhất là những mặt hàng nông, lâm, thủy sản, những mặt hàng công nghiệp chế biến; đạt được cả về lượng, cả về giá; đạt được ở các thị trường chủ yếu. Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên nhập siêu tháng 7 chỉ còn 0,2 tỷ USD, thấp nhất trong nhiều tháng qua; tính chung 7 tháng là 6,64 tỷ USD, giảm 0,85 tỷ USD hay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng vì thế, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu của 7 tháng năm nay chỉ còn 12,9%, thấp hơn nhiều so với con số tương ứng của cùng kỳ năm trước (19,4%), thấp hơn chỉ tiêu đề ra cho cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội (18%) và mục tiêu điều chỉnh của Chính phủ (16%). Kết quả tích cực của 7 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm 2011 đạt được sự vượt trội về nhiều chỉ tiêu có liên quan đến xuất khẩu, như tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 86 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục 72,2 tỷ USD của 2010, vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 79,4 tỷ USD do Quốc hội duyệt; kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người có thể đạt 980 USD (vượt xa kỷ lục 830,5 USD của năm 2010); tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu/GDP có thể đạt 77% (vượt xa so với tỷ lệ 70,9% của năm 2010)…
Xuất khẩu dịch vụ cũng có triển vọng tăng khá, trong đó có du lịch, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đã đạt trên 3,4 triệu lượt người, tăng tới 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay có thể đạt trên 5,8 triệu lượt người, vượt xa so với kỷ lục 5,05 triệu lượt người của năm 2010; xuất khẩu dịch vụ du lịch có thể đạt khoảng 5,2 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục 4,45 tỷ USD của năm 2010.
Một điểm sáng khác là hai nhóm ngành kinh tế thực của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả tích cực. Nông nghiệp được mùa ở cả hai vụ (đông xuân và hè thu), lượng gạo xuất khẩu tăng, hiện đã đạt trên 5,2 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD; là tín hiệu để cả năm đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt quy mô và tốc độ tăng cao, đóng góp tích cực vào kết quả chung. Sản xuất công nghiệp- ngành kinh tế thực có tỷ trọng lớn nhất- tiếp tục tăng với tốc độ cao: tháng 7 tăng 6,1% so với tháng trước, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Một điểm sáng nữa là thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, đặc biệt là thị trường ngoại tệ. Thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp. Tỷ giá trên thị trường này không còn chênh lệch với thị trường chính thức; tốc độ tăng tỷ giá sau 7 tháng chỉ tăng nhẹ (0,06%), tạo thời cơ để Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ khá lớn để tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Giá vàng gần đây tăng cao, nhưng tăng chủ yếu do giá thế giới liên tiếp đạt đỉnh cao mới và giá vàng trong nước vẫn thấp hơn giá vàng thế giới.
Trong điều kiện lạm phát cao, đầu tư và tiêu dùng đã có xu hướng “co lại”. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tính theo giá thực tế tăng 8,8%, nếu trừ đi yếu tố tăng giá thì đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn Trung ương quản lý chỉ tăng 8,4%; trong đó một số Bộ, ngành còn tăng thấp hơn như Y tế (tăng 6,1%), Giáo dục và Đào tạo (tăng 5,7%), Văn hóa, Thể thao, Du lịch (tăng 1,9%); Bộ Xây dựng còn bị giảm 18,4%. Nguồn vốn địa phương quản lý chỉ tăng 9%, trong đó Quảng Ninh giảm 1,7%, Cần Thơ giảm 12%, Hà Tĩnh giảm 6,9%, Quảng Ngãi giảm 8,7%, Vĩnh Phúc giảm 4,6%, Lâm Đồng giảm 6,4%, Hải Phòng giảm 14,7%, Thừa Thiên- Huế giảm 3,7%, Long An giảm 8,6%..
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,6%- thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước cũng như của các tháng từ đầu năm đến tháng 6.
Chính sự “co lại” của đầu tư và tiêu dùng đã góp phần vào việc kiềm chế lạm phát cao trong thời gian qua.
Một kết quả tích cực khác là thu chi ngân sách. Tổng thu ngân sách ước đạt 386,8 nghìn tỷ đồng, đạt 65% dự toán cả năm- một tỷ lệ khá cao so với con số tương ứng của cùng kỳ các năm trước, trong đó tỷ lệ thu từ dầu thô đạt cao nhất (82,4%, chủ yếu do giá thực tế cao hơn dự toán); tiếp đến là tỷ lệ của thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (63,8%) và cuối cùng là tỷ lệ của thu nội địa (62,3%).
Trong thu nội địa, tỷ lệ so với dự toán năm từ thuế thu nhập cá nhân đạt cao nhất 974,4%), còn từ thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước (61,2%), từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (59,5%), từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô đạt 57,4%), thu phí xăng dầu (54,4%), thu phí, lệ phí (49,8%).
Tổng chi ngân sách ước đạt 420,3 nghìn tỷ đồng, đạt 57,9% dự toán năm; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 58,8%, chi sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đạt 60,4%, chi trả nợ và viện trợ đạt 63,7%. Do tỷ lệ so với dự toán năm của thu cao hơn của chi, nên bội chi ngân sách hiện mới ở mức 25,6% dự toán cả năm được Quốc hội phê duyệt. Đây là một tín hiệu khả quan để cả năm có tỷ lệ bội chi thấp hơn năm trước và thấp hơn dự toán.
Về việc bảo đảm an sinh xã hội cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ 16,9 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng. Tổng số tiền mặt cứu trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai gần 43 tỷ đồng. Hỗ trợ các hộ nghèo khi giá điện tăng. Hỗ trợ công nhân viên chức có mức lương thấp. Hỗ trợ số người về hưu có mức lương thấp…
Hạn chế, bất cập, đồng thời cũng là khó khăn, thách thức lớn nhất là CPI tháng 7 tăng cao trở lại so với tháng 6 (1,17% so với 1,09%), cao hơn so với tốc độ tăng của tháng 7 trong cùng kỳ nhiều năm trước đó. Tốc độ tăng cao trở lại của tháng 7 đã đưa CPI sau 7 tháng tăng 14,61% và sau 1 năm lên tới 22,16%.
Với tốc độ tăng CPI 14,61% của 7 tháng đầu năm đã làm cho việc thực hiện mục tiêu điều chỉnh 15- 17% của Chính phủ trong năm nay trở nên khó khăn hơn. Việc kiềm chế nhập siêu cũng chưa thật vững chắc vì xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm 7 tháng ước đạt 2 tỷ USD, tăng 31%, trong đó tháng 6 đạt 806 triệu USD, tháng 7 ước đạt 800 triệu USD. Giá vàng tăng cao, sức ép tăng tỷ giá còn lớn…
Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn