Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 đã tăng 1,17% so với tháng 6.2011, sau một thời gian giảm liên tục từ tháng 4. Thực tế này gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 17% của Chính phủ. Nhưng khi đã xác định giá lương thực, thực phẩm là nguyên nhân chính khiến CPI tăng trở lại, thì cần sớm có giải pháp để ổn định giá bán nhóm hàng này.
Có thể thấy, giá một số hàng hóa thiết yếu như điện, than, xăng dầu hay tỷ giá đã tăng từ cách đây vài tháng, nên đã hết tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, giá tiêu dùng trong tháng 7 tăng cao được xác định là do giá lương thực, thực phẩm biến động mạnh trong thời gian qua. Nhóm hàng này tăng 3,2% so với tháng trước, trong khi chiếm tỷ trọng tới 40% trong rổ hàng hóa tính CPI. Vì thế, CPI tiếp tục tăng đã tác động mạnh đến đời sống người lao động thu nhập thấp, người hưởng lương hưu. Giá bán của nhóm hàng này tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, nên cán bộ về hưu chỉ sống dựa vào lương sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tác động từ giá thực phẩm đẩy CPI của Hà Nội tăng ở mức 3,74%, kéo chỉ số giá nhóm hàng uống ngoài gia đình tăng 2,73%. Tại TP Hồ Chí Minh, CPI nhóm thực phẩm tăng 1,92%, kéo theo ăn uống ngoài gia đình tăng 2,63%. Hai nhóm hàng tác động mạnh nhất đến CPI đó là giá thịt giá súc, gia cầm và giá rau, hoa quả tươi. Trong đó, giá gia cầm đã tăng khoảng 20% so với đầu năm. Hiện các nhà chăn nuôi đang đẩy mạnh sản xuất tái đàn, nhưng khó giảm mặt bằng giá. Nguyên nhân do giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi đó thức ăn chăn nuôi chiếm 70 – 75% tỷ trọng giá thành. Giá thuốc thú ý chiếm khoảng 20% giá thành cũng tăng giá khá nhiều.
Theo tính toán của Bộ NN và PTNT, giá thức ăn chăn nuôi cho gà và thịt lợn tăng từ 14 – 16 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chưa thể dự báo được giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật vì phụ thuộc vào giá thế giới, thì nguồn cung nhóm hàng lương thực, thực phẩm phải đối mặt với nỗi lo dịch bệnh. Thực tế, dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm đã khiến một số khu vực thiếu nguồn cung gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là các cơn bão gây ngập úng trên diện rộng sẽ là môi trường lây lan dịch bệnh trên vật nuôi nhanh.
Tổng cục Thống kê cho biết, CPI các tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao hơn. Yếu tố rất đáng quan tâm là bão lũ, có thể gây thiếu hàng cục bộ, đẩy giá lên cao. Vì vậy, việc kiềm chế lạm phát trong những thời gian tới sẽ rất khó khăn. Thực tế đúng như phân tích của Tổng Cục thống kê, là thiếu hàng hóa cục bộ có thể đẩy CPI tăng cao. Trong khi đó, ngoài yếu tố bão lũ, dịch bệnh, thì khâu phân phối bị đầu cơ, găm hàng làm giá, qua nhiều tầng nấc cũng sẽ khiến hàng hóa có nguy cơ thiếu cục bộ. Vừa qua thị trường lương thực thực phẩm đã chứng kiến sự bất hợp lý của giá nhiều loại rau, củ quả, như cà chua, quả vải, bị đội giá lên gấp đôi, gấp 3 so với nông dân bán ra. Việc phân phối hàng hóa qua nhiều tầng nấc trung gian, trong khi cơ quan quản lý kiểm soát thị trường chưa tốt nên khó sử dụng mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh giá bán. Ngoài ra, do buông lỏng bán buôn nên không thể chi phối bán lẻ; chưa chú trọng công tác dự trữ hàng hóa để tránh tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ; giao dịch hàng hóa chưa minh bạch. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị, cần một nhạc trưởng để chỉ huy vấn đề giá trong tình hình cấp bách hiện nay. Đặc biệt là là tổ chức hệ thống phân phối cho tốt, giảm bớt các tầng, nấc trung gian để sản xuất mạnh lên và người tiêu dùng không chịu thiệt.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 tăng trở lại có nguyên nhân từ giá lương thực, thực phẩm biến động mạnh. Nguyên nhân sâu xa là do hệ thống thu gom, phân phối yếu kém. Hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều tầng nấc, trong khi, công tác quản lý thị trường còn nhiều hạn chế. Như vậy để thực hiện mục tiêu lạm phát ở mức 17% thì cần quan tâm khắc phục công tác quản lý thị trường, xử lý triệt để các vi phạm lâu nay.
Theo Vũ Lan/Báo điện tử ĐBND