Cập nhật: 15/08/2011 16:55:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong vòng bảy ngày, giá vàng đã có những thay đổi không ngờ, khiến một số người dân chịu thua thiệt khi mua ở mức giá cao, còn bán ở giá thấp. Diễn biến quá nhanh của thị trường này chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy những nghịch lý, chuyện bi hài và cả hệ lụy.

Nhưng vàng không chỉ có diễn biến bất bình thường về giá bán. Hiện đang tồn tại một nghịch lý là giá vàng thế giới tăng theo xu hướng rất rõ ràng, còn giá vàng trong nước tăng giảm không thể xác định trước. Trong ngày thứ hai đầu tuần qua, một thống kê cho thấy giá vàng tăng giảm tới 42 lần. Đây là tình trạng loạn giá vàng, thậm chí có người ví giá vàng trở nên điên loạn. Nghịch lý nữa là giá vàng trong nước lẽ ra có độ trễ so với giá vàng thế giới, tăng theo sau giá vàng thế giới. Thực tế có lúc, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 2 triệu đồng/lượng.

 

Như vậy, nguyên nhân nào đã dẫn đến những nghịch lý này? Nếu thị trường vàng thế giới tăng mạnh được lý giải là do cú sốc từ việc Mỹ bị hạ định mức tín nhiệm nợ công. Trong thời gian này, giá vàng trong nước lại ổn định, có xu hướng giảm. Và với độ mở của nền kinh tế nước ta, cũng như diễn biến về giá bán của nhiều hàng hóa khác, thì giá vàng nước ta phải tịnh tiến với diễn biến trên thị trường thế giới. Ngược với dự định, giá vàng tại thị trường trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng thay đổi quá nhanh và cao hơn mặt bằng chung là do hiện tượng đầu cơ tạo ra. Đó là tình trạng gom hàng, găm hàng, đẩy giá lên, tạo sóng vừa mua vừa bán để thu hút các nhà đầu tư nhỏ, sau đó xả hàng. Dù mới chỉ là ước đoán, nhưng chênh lệch giá lớn trong khoảng thời gian rất ngắn đã cho thấy hiện tượng làm giá ở đây. Để chấn chỉnh lại diễn biến thị trường, tạo điểm tựa cho người mua rất cần sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước.

 

Việc giá vàng liên tục lập các kỷ lục mới đã tác động đến tâm lý của nhiều người dân. Thực tế, trong ngày 9.8 đã có tình trạng người dân xếp hàng dài, đội mưa để mua vàng. Lãnh đạo một công ty vàng bạc tại Hà Nội cho biết, đợt sốt vàng vừa qua có đến trên 90% là đi mua. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước công bố cho nhập 5 tấn vàng, thì lại chen nhau đi bán bằng được để tránh lỗ. Và bi hài ở chỗ, một số cá nhân đã chạy theo lợi nhuận mà không nhớ bài học đau lòng từ nhiều lần sốt vàng trước đó. Cũng có thể hiểu tâm lý này của một bộ phận người dân. Cách đây chưa đầy 2 tuần, nếu nhà đầu tư có 1 tỷ đồng sẽ mua được 25 cây vàng với giá khoảng 40 triệu đồng/lượng. Khi giá lên 45 triệu đồng/lượng nhà đầu tư đã lãi tới 125 triệu đồng. 1 tỷ sinh lời 125 triệu đồng trong chưa đầy nửa tháng là mức thu nhập nhanh khó có loại hình kinh doanh nào cạnh tranh được. Điều này đã tạo ma lực khiến các nhà đầu tư liều lĩnh. Nhưng có thể thấy, mức lợi nhuận này chỉ một số ít người có được, còn đại đa số người mua trở thành con rối trong tay những kẻ đầu cơ.

 

Ngoài tác động đến tâm lý người dân, việc giá vàng tăng cao cũng ảnh hưởng đến tỷ giá. Trước diễn biến của giá vàng, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tỷ giá USD tăng thêm. Thị trường tự do cũng tăng vượt mức 21.000 đồng/USD. Không khó hiểu cho động thái này. Những lần sốt vàng trước đã để lại kinh nghiệm cho nhiều nhà đầu tư là khi nguồn cầu tăng mạnh sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước phải nhập khẩu thêm. Khi lượng ngoại tệ này trong nước chưa phải dồi dào, thì việc tăng nhập khẩu hàng hóa sẽ đẩy giá USD lên. Vì vậy, không có lý gì giới đầu cơ không sớm tăng giá USD để gom, chờ cơ hội tốt đẩy ra kiếm lời.

 

Song hệ lụy thứ hai còn lớn hơn, và cũng lại là chuyện biết rồi nói mãi. Đó là cơn lốc vàng tạo vòng xoáy thu hút các dòng vốn chảy vào kênh đầu tư này. Hệ lụy này chưa rõ nét trong cơn lốc vàng vừa rồi, nhưng là điều mà các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải tính đến. Bởi nếu thị trường thiếu những thông tin, thiếu động thái can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, thì dòng vốn từ sản xuất bị lôi kéo sang vàng. Đó là sự lệch lạc dòng chảy vốn tổn hại rất nghiêm trọng đến kinh tế.

 

Khó bình luận được việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là sớm hay muộn, vì giữa nhiều cái khó, như dự trữ ngoại tệ hạn chế, can thiệp quá sớm có khi lại không cần thiết… Nhưng trước bão giá, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố cho nhập khẩu là làm ngay, giúp thị trường vàng nhanh chóng hạ nhiệt. Song, nói như cách phân tích của một chuyên gia kinh tế, thì từ khi giá vàng trong nước bắt đầu có biểu hiện chênh lệch giá lớn so với thế giới, các cơ quan chức năng cần công bố những biện pháp giám sát mạnh tay, không để cho cơ hội đầu cơ và tuyên bố can thiệp ngay.

 

Cơn bão vàng phần nào lặng gió. Giá vàng trong nước lúc này đã sát hơn giá vàng thế giới. Song, sau cơn bão nào cũng có thiệt hại nặng. Lợi ích thuộc về những người cố tình tạo ra cơn bão, còn thiệt hại thuộc về những người chạy theo bão.

 

 

 

Theo Như Trang/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm