Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận được nguồn vốn, đồng thời hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-20%. Đây là những tín hiệu mừng đối với các doanh nghiệp đang trông chờ việc giảm lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay
Hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, Eximbank thực hiện chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi ”. Theo đó, ngày 24/8, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mức lãi suất được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu là 17%/năm cho mục đích bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tạo thêm sự lựa chọn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Eximbank cũng triển khai thêm chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất ngoại tệ”. Lãi suất được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu là 7,0%/năm cho mục đích bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu.
Từ ngày 22/8, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân vay tiền cho mục đích sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng TMCP An Bình (Abbank) được giảm lãi suất 1,5%/năm theo chương trình “Yên tài chính-Vững kinh doanh”. Chương trình này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2011.
Trước đó, từ giữa tháng 8/2011, lãi suất cho vay tại các ngân hàng ngoài quốc doanh từ 21 - 24%/năm và các công ty tài chính từ 20 - 22%/năm.
Cụ thể, tại Vietinbank, Vietcombank và các ngân hàng quốc doanh, lãi suất cho vay VND dao động từ 17 - 21%/năm. Các ngân hàng ngoài quốc doanh từ 21 - 24%/năm và các công ty tài chính từ 20 - 22%/năm.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng cho biết, ACB triển khai chương trình tín dụng đặc biệt “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay được giải ngân từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2011 và không giới hạn số lần giải ngân.
ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực Tp.HCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh/thành phố khác.
Không những giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp nói chung, nhiều ngân hàng còn ưu đãi lãi suất cho một nhóm đối tượng riêng biệt, như cho vay tài trợ xuất khẩu, giải pháp vốn cho các doanh nghiệp ngành phân bón, thủy hải sản, thức ăn chăn nuôi hoặc ưu tiên cho các doanh nghiệp đã "thân thiết" từ lâu
Cần có giải pháp đồng bộ
Theo các ngân hàng, việc hỗ trợ lãi suất này nhằm hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giảm dần lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn. Tuy nhiên, thực tế, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp còn là giải pháp để ngân hàng tự cứu mình, bởi thực tế, thời gian qua do lãi suất cho vay ở mức quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể vay và cũng không muốn vay còn ngân hàng thì lại lo lắng vì đã phải huy động ở mức tương đối cao.
Chính vì lẽ đó, việc giảm lãi suất là việc làm cần thiết, tuy nhiên, giảm về mức bao nhiêu thì cần phải cân nhắc thận trọng.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao và sẽ có xu hướng giảm dần vì đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Còn ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cũng thừa nhận: “Lãi cao như thế này, có muốn tăng tín dụng cũng khó, vì doanh nghiệp cũng không vay”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm rằng không nên áp trần lãi suất. Ông nhấn mạnh: Cả lãi suất đầu vào và đầu ra nếu không có trần vẫn hay hơn, điều tiết theo thị trường vẫn tốt hơn. Nhưng trong thời điểm lãi suất hỗn loạn như hiện nay thì việc bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay lại là điều nên làm, vì không làm thì sẽ càng hỗn loạn và không thể kiểm soát nổi.
Việc đưa trần lãi suất cho vay, ông Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, NHNN phải tính đến hai vấn đề: mức trần nào là hợp lý, phải làm kiên quyết và xử lý mạnh mẽ với sự nhất quán từ đầu đến cuối. Ngoài ra, còn phải tạo được sự nhất trí như một nhạc trưởng chỉ đạo một dàn nhạc giao hưởng. Với thực tế hiện nay, ông cũng cho rằng mức lãi suất cho vay 18% là hợp lý.
Để vừa thực hiện nghiêm việc áp trần lãi suất cho vay, hạ lãi suất xuống mà vẫn kiềm chế được lạm phát, theo ông Cao Sỹ Kiêm, NHNN cần phải sử dụng cả dự trữ bắt buộc ngoại hối và đồng nội tệ đối với hệ thống ngân hàng. Và cũng cần khai thác công cụ thị trường mở nhiều hơn, để vừa điều hành chính sách lãi suất, vừa đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Để ổn định theo xu hướng hạ dần lãi suất cho vay, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần tăng cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng và phát huy vai trò chủ đạo của các NHTM nhà nước (bao gồm cả NHTM có cổ phần chi phối tuyệt đối của Nhà nước). Việc NHNN tăng cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng là cần thiết vì lượng tiền gửi VND (tiết kiệm, huy động trái phiếu, tiền thanh toán, …) mà hệ thống ngân hàng huy động được đã gần đến giới hạn tối đa của nó. Do đó, tăng cường cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng là để tăng khả năng về nguồn vốn cho vay cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, để tránh phải cung ứng lượng lớn tiền, nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN cần phải thực hiện thêm biện pháp làm giảm lượng cầu tín dụng. NHNN cần phải có biện pháp buộc các ngân hàng đảm bảo chất lượng các khoản tín dụng cấp ra bằng việc tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các qui định liên quan đến cấp tín dụng, đến phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng, cũng như việc hoàn thiện các qui định này. Làm tốt biện pháp này, chẳng những lượng cầu tín dụng sẽ giảm mà chất lượng tín dụng còn được nâng cao, vừa làm cho các ngân hàng an toàn hơn, vừa có tác dụng tốt hơn đối với tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm tác dụng phụ lạm phát. Bên cạnh đó, cung cầu tín dụng cân bằng nhau, NHNN sẽ hạ được lãi suất cho vay của các ngân hàng xuống quanh mức mong muốn hợp lý của mình...
Thực tế, việc giảm lãi suất là đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế và nó phù hợp, xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, của tổ chức tín dụng, của người dân. Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, mong rằng trong thời gian tới mặt bằng lãi suất sẽ ổn định hơn.
Theo Báo điện tử ĐCSVN