Từ 1/10/2011, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ được thực hiện thí điểm tại 21 tỉnh nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Theo Thông tư số 121/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân không thuộc diện nghèo.
Với chính sách này, nông dân kỳ vọng BHNN sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh; hình thành một “giá đỡ” bền vững góp phần duy trì sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn, nông dân.
Cụ thể để tránh thất bại
Theo ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều rủi ro ngày càng cao, bởi theo dự báo Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún nên năng suất, chất lượng kém, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo nên khi hội nhập cạnh tranh toàn cầu Việt Nam luôn thua thiệt. Nếu không có bảo hiểm, nông dân sẽ rất khó khăn trong việc sản xuất theo hướng hàng hóa.
Vấn đề BHNN đã phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Việt Nam có đặc thù riêng về thực tiễn sản xuất nhiều rủi ro, trình độ sản xuất của người dân và hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này còn thiếu, nên một thời gian dài các mô hình thí điểm BHNN dù chỉ ở quy mô nhỏ cũng đã nhanh chóng... thất bại.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây, việc chuẩn bị cho kế hoạch thí điểm BHNN tại 21 tỉnh lần này được các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tích cực. Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết, với quan điểm hình thành “giá đỡ” để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất và doanh nghiệp bảo hiểm không bị thua lỗ, việc xác định rõ đối tượng nào được bảo hiểm, sản xuất gì, sản xuất như thế nào, đúng quy trình kỹ thuật hay không... là những quy định cần cụ thể hóa để tránh thất bại. Bộ NN & PTNT đã ban hành Thông tư hướng dẫn 47 kèm theo cẩm nang hướng dẫn cho các cấp cơ sở ở địa phương quy định cụ thể về từng loại hình thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm; xây dựng tiêu chí về quy mô, quy trình công nghệ chăn nuôi, trồng trọt được bảo hiểm vì không thể bảo hiểm cho những sản phẩm được sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, không theo quy trình. Đến nay, Bộ NN & PTNT đã công bố các quy trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh tham gia thí điểm bảo hiểm để người nông dân chuyển sang sản xuất theo công nghệ cao, với quy trình chặt chẽ. Đây là việc làm với nhiều mục đích, không chỉ giảm thiểu rủi ro cho người dân, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp bảo hiểm mà còn vì nền sản xuất lâu dài của nông nghiệp Việt Nam.
Khó khăn của cả hai phía
Không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên thế giới, BHNN cũng là một nghiệp vụ rất khó khăn với thực tế là BHNN thường chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường bảo hiểm. Tại thị trường Việt Nam, theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2011, BHNN chiếm tỷ trọng thấp nhất (0,1%) với doanh thu “vỏn vẹn”... 5,8 tỷ đồng, trong đó 5 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai BHNN gồm Bảo Việt (doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng), Quân Đội (2,7 tỷ đồng), Viễn Đông (0,2 tỷ đồng), Bảo Minh (0,09 tỷ đồng) và Toàn Cầu (0,04 tỷ đồng).
Là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm sớm tiên phong trong lĩnh vực BHNN từ những năm 1980 với các loại hình như bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm chăn nuôi, bảo hiểm cây công nghiệp, bảo hiểm cháy rừng..., nhưng Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) cũng thừa nhận những khó khăn, vướng mắc của BHNN ở nước ta.
Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng Giám đốc Bảo Việt, cho rằng: BHNN không phải là nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần mà mang tính xã hội rất cao, cần có sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Khó có thể thực hiện BHNN thành công nếu như Nhà nước chưa xây dựng một chính sách về BHNN. Mặt khác, đối tượng BHNN rất phong phú và trên diện rộng cho nên rất khó trong công tác quản lý rủi ro. Sự thiếu kinh nghiệm và đội ngũ thực hiện BHNN cũng là một khó khăn khiến loại hình dịch vụ này chưa phát triển.
Những khó khăn, vướng mắc phát sinh không chỉ riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm mà cả từ phía người dân trong quá trình triển khai khi người dân chưa có thói quen và chưa hiểu biết nhiều về BHNN. Mặt khác, cũng do khả năng tài chính của người nông dân còn hạn hẹp, quy mô sản xuất còn mang tính tự cấp tự túc, sản xuất hàng hóa ít nên còn nhiều nhà nông đắn đo khi tham gia bảo hiểm.
Chung tay hình thành “giá đỡ”cho sản xuất
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với xu thế sản xuất hàng hóa của nông nghiệp nước ta hiện nay, BHNN không còn là “nhiệm vụ bất khả thi” như trước đây. Ông Nguyễn Quang Phi cho rằng, khác với những lần thực hiện trước đây, thực hiện thí điểm lần này với Quyết định 315 đã cho thấy một số thuận lợi từ cơ chế, chính sách cũng như cách tiếp cận để từ đó BHNN có hướng mở mới, tạo công cụ cho nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp. Với việc hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm BHNN, tức là tất cả các đối tượng tham gia BHNN đều được hỗ trợ - đây là cơ hội và điều kiện tiên quyết để triển khai thành công BHNN. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này, sự chủ động tham gia của các cấp chính quyền là điều kiện để thực hiện thành công chương trình thí điểm.
Tuy nhiên, hiện trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy trình, lại tham gia bảo hiểm với số ít vẫn là điều khiến các doanh nghiệp bảo hiểm “ngán ngại”. Do đó, vấn đề quan tâm nhất để thực hiện BHNN thành công là phải giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hay công ty cổ phần để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, chất lượng tốt với kỹ thuật, phương thức sản xuất được tiến hành quy chuẩn và đồng bộ để giảm rủi ro. Khi đó, các công ty bảo hiểm chỉ cần ký hợp đồng với một người đại diện nên rất thuận lợi, dễ quản lý, dễ thẩm định bồi thường.
Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, cần kéo nhiều thành phần kinh tế tham gia đóng BHNN cho nông dân hoặc thành lập Quỹ BHNN. “Như vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nếu mỗi kilôgam gạo xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua chỉ cần đóng 10 đồng, mức xuất khẩu như năm nay khoảng 6,8 triệu tấn, thì đã có 68 tỷ đồng trong Quỹ BHNN. Thêm nữa, mỗi nông hộ sản xuất quy mô lớn đóng thêm 5 đồng/kg gạo, thì tổng quỹ này mỗi năm cũng có trên 100 tỷ đồng rồi” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng phân tích.
Mặt khác, từ phía nông dân, nhiều kiến nghị cho rằng nếu sản xuất theo quy trình chuẩn để được bảo hiểm, chắc chắn phải đầu tư nhiều, trong khi nhà nông ít vốn. Do vậy, dù có được hỗ trợ phí BHNN, nhưng nếu không được tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất hoàn chỉnh thì nông dân cũng khó lòng đáp ứng được các quy định trong sản xuất. Do đó, nếu như các tổ chức ngân hàng, tín dụng nông thôn, các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, các cơ sở sản xuất có nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp... cùng hỗ trợ cho công tác BHNN thì BHNN mới hình thành và phát triển bền vững, đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Theo Phạm Thanh Hương
/Tintuc Online