Quan sát CPI không chỉ ở tốc độ chung, mà còn phải xem xét cụ thể tốc độ tăng, giảm giá của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, bởi qua đó có thể đánh giá sâu sắc nguyên nhân và có giải pháp cụ thể.
Trong 11 nhóm của “rổ” hàng hóa/dịch vụ tính CPI, có 3 nhóm (hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giáo dục; giao thông) giá tăng cao hơn tốc độ tăng chung; có 7 nhóm giá tăng thấp hơn tốc độ chung (thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch; thiết bị và đồ dùng gia đình; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; hàng hóa và dịch vụ khác; nhà ở và vật liệu xây dựng); có 1 nhóm giá giảm (bưu chính, viễn thông).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lớn nhất (gần 40%) trong tổng chi tiêu dùng của dân cư (đối với những hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, tỷ trọng này còn lên tới 60%) và có tốc độ tăng cao nhất so với tốc độ tăng của 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại (23,25% so với 12,9%).
Điều đó cho thấy đây là nhóm hàng có tác động lớn nhất đối với tốc độ tăng chung.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống gồm có 3 nhóm nhỏ hơn và có tốc độ tăng giá khác nhau, là lương thực (tăng 13,64%), thực phẩm (tăng 27,09%) và ăn uống ngoài gia đình (tăng 22,15%).
Trong 3 nhóm nhỏ hơn này, giá thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng cao nhất, chủ yếu cao trong 7 tháng đầu năm (bình quân 1 tháng tăng 3,37%, trong đó tháng 2, tháng 4, tháng 5 tăng cao hơn), tháng 8 đã tăng chậm lại và đã giảm liền trong tháng 9, tháng 10. Giá thực phẩm giảm 2 tháng qua, trong khi nhập khẩu thực phẩm tăng, chăn nuôi tăng, nhu cầu thực phẩm co lại, một số vùng bán chạy lũ,…
Dự đoán tháng 11 giá nhóm này sẽ không giảm nữa và có thể sẽ tăng cao vào tháng 12, đặc biệt vào tháng 1, tháng 2/2012- là thời kỳ trước và sau Tết Nguyên đán.
Giá ăn uống ngoài gia đình tăng cao do giá thực phẩm tăng cao, nhất là từ tháng 2 đến tháng 8, còn từ tháng 9 đến nay đã tăng chậm lại. Xu hướng tháng 11 có thể tiếp tục tăng chậm lại, nhưng tháng 12 và tháng 1/2012 sẽ tăng cao do việc liên hoan tổng kết cuối năm, họp mặt đầu năm nhiều hơn.
Riêng giá lương thực sau 10 tháng tăng thấp hơn nhiều tốc độ chung, do tháng 6, tháng 8 chỉ tăng thấp, tháng 7 giảm và tính chung 3 tháng này giảm nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu do lúa vụ đông xuân được mùa lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, tháng 9, tháng 10 giá lương thực tăng cao, chủ yếu do mưa, lũ ở trong nước, mưa lũ ở Thái Lan, Campuchia. Xuất khẩu gạo 10 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 8,5% về lượng và tăng 8,1% về giá,…
Dự báo giá lương thực từ tháng 11 trở đi sẽ tăng nhẹ trên 1%/tháng và có thể đạt đỉnh cao vào dịp Tết Nguyên đán.
Nhóm giáo dục có tốc độ tăng giá cao thứ hai trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tăng cao chủ yếu do tháng 9 tăng tới 8,62%, tháng 10 tăng 3,2%, còn 7 tháng đầu năm tăng thấp (bình quân tăng 0,93%/tháng), như vậy, tốc độ tăng cao này mang tính thời vụ vào đầu năm học, tháng 11 sẽ tăng thấp.
Nhóm giao thông có giá tăng cao thứ 3, nhưng chủ yếu tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 (tháng 3 tăng 6,69%, tháng 4 tăng 6,04%, tháng 5 tăng 2,67%) do 2 đợt tăng giá xăng dầu với tốc độ khá cao vào tháng 2, tháng 3, còn từ tháng 6 tăng thấp, đặc biệt tháng 9, tháng 10 còn giảm. Dự báo khả năng sẽ tăng vào cuối năm do giá xăng dầu thế giới tăng, nhu cầu đi lại tăng.
Các mặt hàng còn lại dự báo tiếp tục tăng giá chậm trong tháng 11, nhưng có xu hướng tăng cao hơn trong tháng 12. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng chung vào cuối năm tăng cao hơn.
Tổng hợp lại, có thể dự báo CPI tháng 11 sẽ tiếp tục tăng thấp hơn tốc độ tăng của tháng 10 (có thể ở mức 0,3%), nhưng tháng 12 sẽ tăng cao trở lại. Khả năng tốc độ tăng trong 2 tháng tới sẽ ở mức trên 0,82% thì cả năm sẽ tăng khoảng 18%, cơ bản như dự kiến của Chính phủ (đó là CPI tính theo tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm 2010).
Từ diễn biến và dự đoán trên, có thể rút ra một số điểm đáng lưu ý.
Cần tập trung vào việc kiềm chế tốc độ tăng giá của những mặt hàng có thể đẩy CPI lên, trong đó hết sức chú ý những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm.
Cần thận trọng với việc điều hành tốc độ tăng tỷ giá, với việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, than,… không chỉ vào tháng 11, tháng 12 mà cả tháng 1, tháng 2 năm 2012.
Tiếp tục điều hành nhằm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12%.
Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn