Với những quy định xử phạt mới ban hành, số tiền phạt và tịch thu liên quan đến ngoại tệ sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM đã xử lý khoảng 120 vụ vi phạm liên quan đến niêm yết, quảng cáo giá cả bằng ngoại tệ, mua bán ngoại tệ… với số phạt lên gần 4,5 tỉ đồng.
Nhiều vụ vi phạm
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM về công tác phối hợp quản lý ngoại hối ngày 16.11, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM - cho biết: “Từ đầu năm đến nay, NHNN chi nhánh thành phố đã kiểm tra 28 đại lý đổi ngoại tệ, trong đó kiểm tra đột xuất 6 đại lý thu đổi ngoại tệ là tổ chức kinh doanh vàng. NHNN đã phát hiện vi phạm và đình chỉ 2 đại lý thu đổi ngoại tệ từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, NHNN phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT) kiểm tra, phát hiện 5 đại lý đổi ngoại tệ của khách hàng cao hơn giá niêm yết và đã xử phạt 75 triệu đồng. Còn lại do QLTT xử phạt 60 vụ với số tiền 1,5 tỉ đồng, cơ quan công an xử phạt 54 vụ với số tiền hơn 2,8 tỉ đồng…”.
Tại cuộc họp, đại diện Công an TP.HCM cho biết đã phát hiện 54 vụ từ đầu năm đến nay, trong đó đã khởi tố hình sự 5 vụ và chuẩn bị hồ sơ khởi tố thêm 2 vụ nữa về hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép. Những vụ bị khởi tố là những vụ mua bán chuyên nghiệp. Theo vị đại diện này, các điểm mua bán ngoại tệ trái phép đang biến tướng tinh vi. Chẳng hạn sau khi bị xử phạt thì đổi tên chủ cơ sở, sử dụng trụ sở ngân hàng để giao dịch mua bán ngoại tệ. Gần đây, các ngân hàng thương mại cũng mua bán ngoại tệ cao hơn giá niêm yết…
Đối với thị trường vàng, vị đại diện Công an TP.HCM cho hay khi Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC nhận được chỉ đạo ngưng gia công dập vàng miếng từ tháng 10 đến nay, vàng lậu cũng “tắt”. Tuy nhiên bọn tội phạm thay vì nhập vàng nguyên liệu lại chuyển sang nhập vàng thành phẩm với chất lượng, khối lượng, hình thức bên ngoài rất giống sản phẩm đã có trong nước.
Phạt nặng, tịch thu tang vật
Từ cuối tháng 10 đến nay, NHNN Việt Nam, UBND TP.HCM liên tục có công văn gửi các ngân hàng, các đơn vị chức năng về việc kiểm tra, xử lý các trường hợp liên quan đến hoạt động ngoại hối. Một điểm quan trọng là Chính phủ đã ban hành Nghị định 95 (ngày 20.10.2011) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng với mức phạt tăng gấp 5 - 10 lần so với trước đây.
Theo đó, phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm như thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với người nước ngoài; mua, bán, thanh toán ngoại tệ; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng; kinh doanh mua, bán vàng không đúng quy định… Phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định... Đồng thời Nghị định 95 còn bổ sung hình thức xử phạt là tịch thu tang vật là ngoại tệ, tiền đồng hoặc vàng không đúng quy định.
Đại diện Công an TP.HCM cho rằng mức phạt nặng cho các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là cần thiết. Tuy nhiên có nhiều trường hợp người dân vô tình vi phạm mà xử phạt vài chục triệu đồng có thể vượt khả năng tài chính của họ. Những trường hợp như vậy cần phải cân nhắc. Đại diện Sở Công thương TP.HCM phát biểu: “Thật ra người dân có nhu cầu mua ngoại tệ cho các mục đích chính đáng như du học, du lịch, chữa bệnh... mà không mua được ở ngân hàng, buộc họ phải ra các tiệm vàng mua. NHNN quản lý tốt về tỷ giá, không để tình trạng 2 giá diễn ra thì các cơ quan chức năng sẽ đỡ khó khăn hơn khi triển khai thực hiện”.
Ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định: “Trong 3 - 4 năm trở lại đây, ngân hàng có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của người dân như dụ học, du lịch, chữa bệnh…, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Chúng tôi cũng đã có báo cáo lên cấp trên về vấn đề này. Đối với việc giá mua bán ngoại tệ trong ngân hàng cao hơn giá niêm yết, NHNN có nhận được phản ánh từ người dân và hiện đang thực hiện kiểm tra các ngân hàng này”.
Theo Thanh Xuân/Thanhnien Online