Cập nhật: 26/11/2011 07:23:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đề án tái cấu trúc ngân hàng do Thống đốc Nguyễn Văn Bình trình bày cho biết, trong 5 năm tới sẽ có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh khu vực

 

Tập trung trả lời chất vấn tại diễn đàn quốc hội cuối chiều 24 và đầu giờ sáng 25/11 về tái cấu trúc ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay cơ quan này đã hoàn thành xong việc chuẩn bị đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong tháng 11 sẽ trình Chính phủ thông qua.

 

Trọng tâm của đề án là đảm bảo xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh, thị trường quốc tế nhiều biến động; có đủ năng lực đảm bảo hoạt động tốt trong thời gian tới về vốn, chất lượng dịch vụ, đa dạng dịch vụ, đa dạng sở hữu…

 

Định hướng dự kiến là trong 5 năm tới hệ thống sẽ có 2 ngân hàng có đủ sức để cạnh tranh trong khu vực; khoảng 10 ngân hàng đủ lớn làm trụ cột cho hệ thống; có những ngân hàng nhỏ nhưng lành mạnh hoạt động trong những phân khúc nhất định.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng “cần có cách nhìn đúng đắn hơn về việc tái cấu trúc”. Việc ngành ngân hàng phải “đổi mới” trong bối cảnh Đảng xác định đến lúc phát triển nền kinh tế theo chiều sâu.  “Tái cơ cấu là do nhu cầu khách quan nội tại của nền kinh tế, chứ không phải như nhận định của một số ĐB là “do hệ thống ngân hàng quá yếu kém, nguy hiểm, không tái cấu trúc thì nảy sinh nhiều hệ lụy”- ông Bình nói.

 

Dẫn chứng cụ thể, Thống đốc cho biết: Vừa qua, trái phiếu của ngân hàng Vietcombank vừa bán với giá 3/4, Ngân hàng Công thương đang được ngân hàng Canada chào mua với giá 2/3. Chứng tỏ vẫn có ngân hàng được nước ngoài đánh giá cao.

 

Thống đốc Bình nói thêm: “Hệ thống ngân hàng chúng ta đã đứng vững tốt trong giai đoạn vừa qua. Đến giờ phút này so với thế giới, hệ thống ngân hàng thế giới cũng hết sức chao đảo, nhưng ta đứng vững qua các cuộc khủng hoảng vừa qua”.

 

Về các ý kiến cho rằng, chúng ta có quá nhiều ngân hàng và trả lời câu hỏi “hệ thống ngân hàng Việt Nam có bao nhiêu phần trăm thành viên kém cần giám sát chặt chẽ?", Thống đốc cho rằng: Chúng ta chỉ nhiều và đang thừa ngân hàng yếu, nhưng vẫn thiếu nhiều dịch vụ ngân hàng.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, nếu chỉ tính hệ thống các ngân hàng thì có 37 ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó có khoảng 8 ngân hàng cổ phần rất lành mạnh và có thể là trụ cột cho hệ thống; có tới 8 ngân hàng cổ phần hoạt động ở mức trung bình; có khoảng 8 ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng lành mạnh; nhưng cũng có 8 ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa được lành mạnh. “Nếu tính tỷ trọng ngân hàng yếu kém thì hiện không quá 5%”, ông Bình khẳng định.

 

Song ông Bình cũng thừa nhận có thực trạng đang “thừa ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động thiếu lành mạnh, thiếu ngân hàng tốt”.

 

Ông Bình nhận định khó khăn nhất trong tái cấu trúc chính là giải quyết các tổ chức tín dụng có tình hình tài chính yếu kém. Ông Bình hy vọng đạt mục tiêu cải tổ nhưng giữ được ổn định, tránh đổ vỡ, để ngành ngân hàng vẫn là “bà đỡ”, “huyết mạch” cho nền kinh tế. Thống đốc dùng cách nói hình ảnh: "Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng làm sao như phun thuốc cho cây lúa, diệt được sâu nhưng vẫn phải đảm bảo cho cây lúa xanh tốt".

 

Ông chia sẻ một số trọng tâm chính của đề án tái cấu trúc đang được xây dựng như đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

 

Bên cạnh đó, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng vốn cũng như chất lượng dòng vốn cho phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng cũng phải được đa dạng hóa về quy mô, loại hình hoạt động, hình thức sở hữu.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Phương châm tái cấu trúc là làm đến đâu chắc đến đó. Chính vì vậy, giải pháp sẽ là phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành ba nhóm chính.

 

Thứ nhất là nhóm ngân hàng tài chính lành mạnh có đủ sức cạnh tranh và làm trụ cột. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có 15 tổ chức tín dụng như vậy trong đó có từ một đến hai tổ chức tín dụng có tầm quốc tế.

 

Thứ hai là nhóm ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô nhỏ, không có nhu cầu phát triển lớn hơn nữa sẽ có quy định đảm bảo phân khúc thị trường cho nhóm này hoạt động tốt.

 

Thứ ba là nhóm tổ chức tín dụng có tình hình tài chính khó khăn, có thể thay đổi cổ đông, nâng cao chất lượng cổ đông hoặc cho sáp nhập vào các tổ chức khác để không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng gửi tiền.

 

Đối với từng nhóm sẽ áp dụng những tiêu chí hoạt động phù hợp để phát triển lành mạnh.

 

Về lộ trình cụ thể, Thống đốc cho biết:

 

Từ nay đến hết quý I/2012, NHNN sẽ định hình xong ba nhóm ngân hàng trên.

 

Từ quý II/2012 đến hết 2013 sẽ hoàn thành củng cố nhóm ba.

 

Từ năm 2013 sẽ quay lại củng cố xây dựng tập trung cho nhóm ngân hàng lành mạnh.

 

Và đến năm 2020, hệ thống ngân hàng tiếp tục được tái cấu trúc và đặt mục tiêu có thêm bốn tổ chức tín dụng thuộc nhóm đầu.

 

Trình bày rõ về giải pháp đối với các tổ chức tín dụng yếu kém thời gian tới, Thống đốc cho biết: Hiện tại số tổ chức tín dụng yếu kém chỉ chiếm 5%, nên chủ trương của NHNN là sẽ phát huy nội lực để tái cấu trúc nhóm này. Dùng nội lực của nhóm mạnh tái cấu trúc cho nhóm nhỏ. Thống đốc nhấn mạnh: “Ngân hàng Mỹ có thời điểm phải bỏ ra hàng nghìn tỷ USD để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh nước ta còn khó khăn, thì chúng ta phải thắt lưng buộc bụng”./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm