Năm 2011 là năm thị trường tiền tệ chứng kiến nhiều phen các ngân hàng phải đặt lại chỉ tiêu lợi nhuận ở ngưỡng thấp hơn mục tiêu đề ra.
Trước hết, 2011 là một năm sóng gió về kinh tế đối với Việt Nam, tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 9%, thiếu hụt tiền đồng, khoảng 50.000 doanh nghiệp phá sản. Song, 6 tháng cuối năm lạm phát cộng dồn chỉ còn 3%, dự báo năm tới dưới 8,5%.
Lạm phát năm 2011 cơ bản là do trượt giá tiền Việt dẫn đến hàng nhập tăng giá, kéo theo chi phí tăng. Đồng thời, ảnh hưởng gói kích cầu trước đó ở Việt Nam và thế giới khiến giá tăng. Chính hai yếu tố này đẩy lạm phát lên cao, chứ không phải chỉ riêng nguyên nhân tiền tệ.
Song, thực tế, sử dụng tiền mặt lâu nay là thói quen trên thị trường Việt Nam nên mặc dù tiền tệ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát và gây khó cho nền kinh tế. Nhưng, vì khan tiền mặt nên hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội “èo uột” theo, trong đó, tăng trưởng tín dụng gánh “đòn” suy giảm siêu tốc. Nhìn lại trước đây, năm 2009, tổng tăng trưởng tín dụng hơn 40%; năm 2010 hơn 30%, trong khi đó 11 tháng của năm 2011 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 9%. Đây là mức tăng trưởng thấp khiến cho cả nền kinh tế cùng gặp khó.
Cái khó biểu hiện rõ nhất là thị trường tiền tệ trở nên “khan vốn” dẫn đến hàng loạt các ngân hàng nâng mức lãi suất lên cao, cá biệt đã lên đến 25-30%/năm. Mức lãi xuất này khiến hàng loạt các doanh nghiệp “ngộp thở” khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, quá nhiều doanh nghiệp lỗ, công việc giảm sụt, ảnh hưởng đến tất cả người dân Việt Nam.
Trong số các ảnh hưởng, tiêu biểu là cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp, nếu tính các cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ nữa thì có đến vài triệu. Năm 2011 đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp phá sản và theo các chuyên gia kinh tế dự báo, khoảng 50.000 doanh nghiệp nữa sẽ phá sản trong thời gian tới nếu không có những chính sách cụ thể để hỗ trợ.
Cạnh đó, theo thống kê của các hiệp hội doanh nghiệp, trên 50% công ty lỗ trong năm 2011 và ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người lao động. Khá nhiều đơn vị băn khoăn trong việc lựa chọn lĩnh vực ngành nghề để đầu tư trong thời gian tới. Ví dụ, doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán trước đây không được cảnh báo, đùng một cái năm 2011 siết tín dụng không cho họ vay vốn, trên 90% doanh nghiệp chịu lỗ.
Trước thực trạng này, hàng loạt các chính sách của Chính phủ tung ra như cắt giảm đầu tư công, hiệu quả hóa đầu tư vốn nhà nước; xuất siêu từ 40% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 tới 2011 chỉ còn 10,2%, nên kết quả dư ngoại hối và giúp ổn định tỷ giá, đồng thời triệt tiêu yếu tố tăng giá nhập hàng hóa. Đây chính là tiền đề để mức lạm phát 6 tháng cuối năm cộng dồn chỉ còn 3%, tình hình lạm phát đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, mức kiểm soát này là trên bình diện chung của nền kinh tế. Còn riêng về thị trường tiền tệ, các ngân hàng đều phải “cụt hứng” khi nhìn vào lợi nhuận.
Đơn cử, Techcombank chỉ đạt lợi nhuận hết tháng 9/2011 đạt gần 2.300 tỷ đồng so với 4.000 tỷ đồng trong kế hoạch đặt ra. Ba tháng còn lại, đơn vị này phải gấp rút “kiếm” gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, mới đạt 100% kế hoạch, điều này khó khả thi trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Hay tại ACB, đích hẹn cuối năm là hơn 4.000 tỷ đồng trong khi phần thực hiện được mới chỉ dừng lại ở trên 2.650 tỷ. Một số ngân hàng khác cũng lâm vào tương tự, trong đó có ABBank khi lợi nhuận quý III giảm mạnh so với cùng kỳ 2010.
Tại nhiều ngân hàng, lãi suất niêm yết loại kỳ hạn 1-3 tuần lại cao hơn lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng, điều này cho thấy các ngân hàng không dám huy động vốn lãi suất cao đối với loại kỳ hạn dài vì e ngại lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.
Từ giữa tháng 8/2011, do đầu ra bị thắt chặt, nguồn vốn ra vào tương đối ổn định… nên cuộc đua huy động vốn của các NH đã bớt căng thẳng. Tại thời điểm này, lãi suất đầu vào đã giảm 1%-2% so với 3 tháng trước, kéo lãi suất đầu ra giảm theo. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tháng 7/2011, lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với sản xuất kinh doanh đã giảm 0,1% - 0,3%/năm; lãi suất cho vay trung bình ở mức 18,64%/năm. Bảy tháng đầu năm 2011, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,57%; riêng tháng 7/2011 lại giảm 0,19% so với tháng trước.
Không những thế, thị trường vàng tăng giá nhiều, trong khi lãi suất ngân hàng cũng tăng giảm thất thường nên người dân không mặn mà với việc gửi tiết kiệm mà chuyển qua tích trữ vàng và ngoại tệ khiến không ít ngân hàng rơi vào tình cảnh khó khăn về thanh khoản, phải tìm đủ cách lách luật trong thời gian qua cho đến khi Ngân hàng Nhà nước dùng biện pháp mạnh. Mặt khác, các ngân hàng hiện vẫn cho doanh nghiệp vay với lãi suất trung bình 22%-23%/năm, chênh lệch so với lãi suất huy động tới 6%-7%.
Vừa qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện hiện tượng bong bóng và năm 2011, Chính phủ đã có những bước đi cơ bản để chúng "xì hơi". Tuy nhiên, nếu chỉ “xì hơi” mà sau đó không có biện pháp kích cầu lưu thông thị trường để “bơm” hơi cho cỗ máy này hoạt động cũng là một tổn thất cho thị trường nói chung, tiền tệ nói riêng. Bởi vì hiện tại, thị trường bất động sản ngưng trệ với hàng loạt các dự án giảm giá sản phẩm, tạm ngừng triển khai thi công. Đa số các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều rơi vào cảnh “cạn vốn, ế hàng”.
Mặc dù mới đây, với chính sách mới của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa 4 nhóm tín dụng bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có khoản vay của người mua nhà trả bằng tiền lương, tiền công hay những dự án được đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012, một số ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay với lĩnh vực này.
Tuy nhiên, quãng thời gian còn lại của năm 2011 quá ngắn, các ngân hàng sẽ phải đua nhau chạy nước rút để “vớt vát” mục tiêu lợi nhuận. Các ngân hàng bơm vốn dồi dào hơn nhưng trong tình trạng khó khăn chung, giá cả thị trường cuối năm có nguy cơ tăng nên tâm lý tiêu dùng dè chừng. Điều đó kéo theo dù ngân hàng mở cửa cho vay, nhưng nếu lãi suất vẫn cao so với khả năng hoàn vốn của khách hàng thì khách hàng sẽ không vay. Như thế, ngân hàng tiếp tục ôm vốn, kịch bản hạ lãi suất khó tránh. Tất nhiên, ngân hàng sẽ phải lỗi hẹn với mục tiêu lợi nhuận năm 2011./.
Theo Hà Trần/Báo điện tử ĐBND