Tổng số lượng hàng hóa giá trị 5.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp và siêu thị lớn dự trữ sẵn sàng phục vụ nhu cầu Tết của người dân Thủ đô
Chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Sở Công thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của Thành phố, các siêu thị, trung tâm thương mại có kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm cũng như kiềm chế tốc độ tăng giá của thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, khan hàng. Theo đó, với 475 tỷ đồng thành phố tạm ứng, thuế suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tập trung khai thác, dự trữ và cung cấp ra thị trường 9 nhóm hàng thiết yếu: gạo trắng thường 6.400 tấn, thịt lợn 1.350 tấn, thịt gà, vịt 500 tấn, trứng gia cầm 8 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.280 tấn, thủy hải sản đông lạnh 800 tấn, dầu ăn 800.000 lít, đường, rau củ quả… sẵn sàng phục vụ Tết.
Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết, trong số này một số mặt hàng thiết yếu sẽ được điều chuyển để phục vụ nhu cầu ngày Tết như gạo thường chuyển sang gạo tám thơm… số lượng hàng phục vụ Tết sẽ chiếm khoảng 10% mỗi loại”.
“Bằng nguồn vốn tự có, cùng kinh nghiệm kinh doanh lưu thông hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh dự trữ số lượng hàng hóa gấp đôi so với lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng vốn tạm ứng của thành phố. Hàng hóa tại 561 điểm bán hàng bình ổn trong dịp Tết sẽ rất dồi dào thỏa mãn đủ nhu cầu của người dân” - Ông Đồng nói.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng truyền thống bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát cũng được chuẩn bị dự trữ đầy đủ đảm bảo không xảy ra thiếu hàng, đứt hàng.
Sở Công thương cũng yêu cầu và định hướng các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Thành phố như các Trung tâm thương mại, siêu thị Big C, Metro. Co.o mart, Công ty CP bánh mứt kẹo Hà Nội, Hải Hà, Hữu Nghị, Tràng An, Tổng công ty bia rượu nước giải khát, Công ty Cổ phần rượu Hà Nội… có kế hoạch dự báo mức tiêu dùng của nhân dân, xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Tổng số lượng hàng hóa giá trị 5.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, một kênh phân phối truyền thống là chợ dự kiến cũng sẽ đưa ra tiêu thụ trên thị trường ngày Tết khoảng 2.000 tấn thịt trâu bò, 10 tấn thịt lợn, hơn 3.000 tấn thịt gia cầm, 6.000 tấn thủy hải sản, 50.000 tấn rau, cử quả… Các làng nghề cũng tham gia ước khoảng từ 130 tỷ đến 150 tỷ đồng giá trị hàng hóa. Tập trung vào các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn…
“Đảm bảo cho khâu lưu thông hàng hóa, ngành Công thương cũng đã trình Thành phố nghiên cứu cho phép, cấp thẻ cho xe ô tô vận chuyển hàng Tết được lưu thông 24/24h”. Ông Đồng cho biết.
Để kích thích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát trong các ngày trước và sau Tết. Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương dự kiến mở 9 trung tâm bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành. Thời gian bán hàng sẽ liên tục 10 ngày trước Tết. Đồng thời, tổ chức các gian hàng phục vụ Tết tại ngay các Khu công nghiệp dưới hình thức phiên chợ hàng Việt, trước khi công nhân nghỉ Tết giúp công nhân có thời gian lựa chọn mua sắm.
Cùng với việc đảm bảo bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu. Ngành Công thương cũng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các quyết định điều hành về giá, niêm yết giá và bán giá theo niêm yết, xử lý kịp thời việc lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đẩy giá bán lên cao. Ngăn chặn tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các điểm bình ổn giá phục vụ Tết.
“Với công tác chuẩn bị chu đáo như trên, ngành Công thương chắc chắn nhu cầu hàng hóa thiết yếu Tết của người dân Thủ đô sẽ được đáp ứng đủ, góp phần phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mành; đồng thời đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”, ông Đồng khẳng định./.
Theo Đỗ Hưng / VOV News