Cập nhật: 24/12/2011 10:24:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2011 sắp kết thúc và năm 2012 đang đến gần. Nhận diện về nền kinh tế Việt Nam trong năm tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vào năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải đối diện với không ít thách thức do những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2012, Việt Nam có nhiệm vụ khôi phục ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới đang đặt ra cho Việt Nam không ít thách thức. Tại Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã cùng thảo luận và dự báo về xu hướng kinh tế thế giới và Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012 sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Hai điểm nhấn quan trọng nhất cho dự báo trên là: Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là của các trung tâm tăng trưởng (Mỹ, EU, Nhật bản, Trung Quốc); Bất ổn gia tăng, khả năng bùng nổ cuộc chiến tranh tiền tệ cùng chiến tranh thương mại (thậm chí nguy cơ suy thoái kép) và nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu tác động từ những xu hướng nói trên.

 

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam): “Năm 2012 là năm đặc biệt. Vì bên cạnh những khó khăn, năm 2012, cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình để khôi phục, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững hơn.

 

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để xoay chuyển tình hình cần phải “đổi mới tư duy”, cùng với mục tiêu về tốc độ tăng trưởng cần phải kiên quyết chống lạm phát.

 

Cũng dự báo về những khó khăn của kinh tế năm 2012, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong năm 2012, lạm phát là bài toán nan giải và khó khăn nhất. Mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống dưới 1 con số trong năm 2012 là một khó khăn lớn. Để có thể đạt mục tiêu này, điều cơ bản là chúng ta cần mạnh tay cắt giảm đầu tư công, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát.

 

Về nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, trong năm 2012, nền kinh tế sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, là những thách thức khó lường của thị trường tài chính như: nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục gia tăng; thanh khoản kém; nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… với những thách thức này, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, song năm 2012 cũng đang mở ra nhiều cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp để phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

 

Phát biểu tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội” vừa diễn ra tại TP.HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, đã chỉ ra những cơ hội mà doanh nghiệp có thể tận dụng được trong năm 2012. Theo đó, trong năm 2012, có khả năng Mỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, đa dạng hơn. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho thị trường bất động sản, chứng khoán có nhiều cơ hội phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, một trong những trọng tâm của chính sách trong năm 2012 sẽ giảm thiểu những khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục đà tăng trưởng. Ngoài ra, chính sách tiền tệ đang có những điều chỉnh nhất định… là những cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sự tăng trưởng trong năm 2012.

 

Còn TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, năm 2012 Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp tăng trưởng tính dụng cao hơn. Cùng với đó, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, đây sẽ là cơ hội để tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp trong tương lai.

 

Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính quốc giacũng chỉ ra những cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp cần phải tận dụng trong năm 2012. Đó là việc Việt Nam đang trong giai đoạn tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương với nhiều thuận lợi như giảm thuế sâu, mở cửa dịch vụ lớn… sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đón một làn sóng đầu tư mới cần phải nắm bắt.

 

Năm 2012 cũng là năm thực sự tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng. Đây cũng là cơ hội để kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn.

 

Với những cơ hội đang mở ra trước mắt, bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục có nhiều giải pháp hơn nữa để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Một số chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới cần phải tiếp tục cải cách hệ thống lương trong khu vực nhà nước, coi đây là phương cách quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, cũng là cách để khôi phục lòng tin của dân. Ngoài ra, Chính phủ cần cải cách hệ thống ngân sách theo nguyên lý kinh tế thị trường; Đẩy mạnh việc thay đổi Luật Đất đai, không để tình trạng Luật Đất đai luôn chạy theo thực tế và cản trở quá trình đổi mới theo hướng thị trường…

 

Mong rằng với sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, nền kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, đạt được những mục tiêu tăng trưởng đã đề ra./.

 

                                                                                                                           

  Theo Phạm Hằng/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm