Cập nhật: 07/01/2012 09:15:32 Article Rating
Xem cỡ chữ

1. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế

Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2010 và 2 tháng đầu năm 2011, Bộ Chính trị, QH, Chính phủ đã ban hành kịp thời các chủ trương, giải pháp tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát...

1. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế

Trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2010 và 2 tháng đầu năm 2011, Bộ Chính trị, QH, Chính phủ đã ban hành kịp thời các chủ trương, giải pháp tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, việc kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giúp nền kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,9%. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với những năm trước, nhưng là thành tích đáng khích lệ trong bối cảnh phải tập trung kiềm chế lạm phát. Những kết quả này đạt được là do có quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân. Từ thành tích của năm 2011, QH đã xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 từ 6 đến 6,5%. Chỉ tiêu này có thể đạt được và không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nếu phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

 

2. Xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

 

Tại Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Ba. Trong đó, sẽ thực hiện trước nhất là cơ cấu lại đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại hệ thống tài chính, với trọng tâm là hệ thống ngân hàng.

 

3. An sinh xã hội được bảo đảm

 

Năm 2011, an sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngân sách thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã chiếm khoảng 1/3 ngân sách quốc gia. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp giảm bớt khó khăn do tác động của lạm phát. Nhờ chỉ đạo sát sao và hỗ trợ kịp thời của các ngành, các cấp nên không xảy ra tình trạng thiếu đói trên diện rộng, kể cả ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc công bố chuẩn nghèo mới cùng với tác động của các chính sách giảm nghèo đã mang lại ảnh hưởng tích cực đối với bộ phận người nghèo, người cận nghèo. Công tác chăm sóc sức khỏe có bước tiến bộ, đều đạt các chỉ tiêu của QH về chăm sóc sức khỏe, dân số như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; số giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý; chỉ tiêu giảm sinh…

 

4. Cán cân thanh toán quốc tế có mức thặng dư cao

 

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta trong năm 2011 là kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 33% so với năm 2010, cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu QH đề ra (10%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106 tỷ USD, tăng khoảng 25% (kế hoạch là 10,4%). Với thành tích xuất khẩu này, lần đầu tiên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ. Mức nhập siêu trong năm 2011 sẽ ở mức 10 tỷ USD, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu - là tỷ lệ thấp nhất trong 10 năm qua. Bởi vậy, 2011 cũng là lần đầu tiên cán cân thanh toán quốc tế của nước ta thặng dư 3,3 tỷ USD.

 

5. Lãi suất cho vay cao ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh

 

Trong những tháng đầu năm, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, thậm chí một số ngân hàng vượt trần cho phép. Cuộc cạnh tranh thu hút tiền gửi này gây ra một hệ quả nghiêm trọng là đẩy lãi suất cho vay tăng lên mức 20%/năm. Lãi suất cho vay cao, cùng với giá nguyên nhiên liệu tăng, trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn đã khiến có khoảng 50.000 doanh nghiệp phải giải thể, thậm chí phá sản. Thực tế này đòi hỏi, chính sách tiền tệ trong năm 2012 phải có giải pháp trọng tâm để vừa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo điều kiện để kinh tế tăng trưởng hợp lý. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và ngành hàng chính, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trụ vững trước khó khăn.

 

6. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dần phục hồi

 

 Trong năm 2011, cả nước thu hút khoảng 12,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 83,8% cùng kỳ năm ngoái (gồm gần 10 tỷ USD vốn đăng ký của 919 dự án được cấp phép mới và 2,7 tỷ USD vốn bổ sung của các dự án được cấp phép từ những năm trước). Tuy mức vốn mới thu hút không bằng cùng kỳ năm ngoái, nhưng diễn biến theo hướng gia tăng dần qua các tháng đã cho thấy dấu hiệu phục hồi (tuy chậm) trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này rất đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, đặc biệt là khủng hoảng nợ công tại khu vực châu Âu để lại nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta đã có chuyển biến căn bản, khi các dự án đầu tư vào công nghiệp, vào sản xuất chiếm tỷ lệ cao.

 

7. Lạm phát được kiểm soát thành công

 

Diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng năm nay khác với thông thường. Đó là tiếp tục tăng nhanh sau Tết Nguyên đán, nhất là khi giá than, xăng dầu và điện được điều chỉnh liên tục trước và sau Tết. Lạm phát tăng cao trong năm 2011 một phần là do yếu tố chi phí đẩy của giá hàng hóa quốc tế tăng đột biến; việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng lúc như việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu. Tuy nhiên, nhờ kiên quyết triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, tài khóa thận trọng, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại từ tháng 8 đến nay, nhưng có thể thấy, lạm phát được kiểm soát chủ yếu do tác động của chính sách tiền tệ, còn chính sách tài khóa chưa có nhiều ảnh hưởng. Và việc lạm phát cao từ năm 2004 đến nay đã khiến tính cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp đã bị suy giảm, thu nhập và mức sống thực tế của người dân bị ảnh hưởng.

 

8. Giá vàng có một năm nhiều biến động

 

Năm 2011 là một năm có nhiều biến động của giá vàng. Trước hết là do chịu ảnh hưởng của diễn biến trên thị trường thế giới, chỉ trong hai tuần đầu tháng 8.2011 giá vàng đã liên tục lập nhiều kỷ lục mới và dừng lại ở mức giá cao nhất là khoảng 49 triệu đồng/lượng. Khi đó đã xảy ra tình trạng người dân chen nhau đến các tiệm vàng để mua về tích trữ, do lo ngại về sự tăng giá không dừng lại trong thời gian tới. Nhưng cùng với sự lắng xuống của thị trường thế giới, nhất là việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu thêm để bình ổn giá mặt hàng này, thì giá vàng đã giảm dần xuống dưới mức 43 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh vàng mới, thị trường lại xáo trộn với việc giá vàng SJC luôn cao hơn các thương hiệu khác từ 1 triệu đồng/lượng, và người dân tập trung mua vào.

 

9. Các nhà tài trợ có niềm tin cao với Việt Nam

 

Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2011, cộng đồng nhà tài trợ đã cam kết sẽ cung cấp gần khoảng 7,3 tỷ USD cho nước ta trong năm 2012. Mức vốn ODA này được xem là khá cao trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Và là nguồn vốn hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Việc các nhà tài trợ nước ngoài tiếp tục dành lượng vốn ODA lớn cho Việt Nam chứng tỏ cộng đồng thế giới có niềm tin cao vào các giải pháp điều hành, quản lý của Chính phủ, cũng như tiềm năng phát triển của nước ta trong thời gian tới. Ngoài ra, lượng vốn ODA dành cho Việt Nam vẫn ở mức cao là do tiến độ giải ngân được cải thiện trong năm 2011. Những công trình, chương trình sử dụng nguồn vốn này đều có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các vùng miền trên cả nước.

 

10. Thị trường chứng khoán trầm lắng

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011 tiếp tục được kỳ vọng phát triển cả về quy mô và cơ sở hạ tầng. Nhưng thực tế thị trường có những diễn biến trầm lắng do sự bất ổn của kinh tế thế giới kéo theo những tác động nhất định đến kinh tế nước ta. Hàng loạt cổ phiếu nằm dưới mệnh giá và lần đầu tiên xuất hiện cổ phiếu VKP có giá dưới 1.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng hủy niêm yết, còn công ty chứng khoán đã tạm ngưng hoặc bỏ nghiệp vụ môi giới - nghiệp vụ quan trọng nhất của các công ty này. Dù vậy, trong tháng 12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch tái cấu trúc công ty chứng khoán. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện kế hoạch tái cấu trúc toàn thị trường gồm: các công ty chứng khoán, hàng hóa trên thị trường, hai sở giao dịch, hệ thống nhà đầu tư.

 

 

 

Theo Thanh Trường/VOV news

Tệp đính kèm