Giá điện, xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất và người tiêu dùng. Images: Mạnh Dũng KTĐT - Giá điện và xăng dầu Việt Nam như bản trường ca với gam trầm chủ đạo là điệp khúc lỗ nặng kéo dài bất chấp giá thế giới lên hay xuống.
Trong khi giá xăng, dầu thường "lên nhanh - xuống chậm", giá điện chỉ một chiều tăng mà chưa bao giờ có giảm. Tuy luôn kêu lỗ nhưng thu nhập bình quân lao động trong các đơn vị này đều cao, vượt xa trần trung bình tiền lương xã hội.
Những điệp khúc buồn…
Cả hai ngành điện và xăng dầu đều yêu cầu được tự do định giá theo thị trường. Tuy nhiên, trong khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường, và đặc biệt là sự minh bạch thì thế nào là giá thị trường vẫn là dấu hỏi đậm, lớn, còn bỏ ngỏ. Các thông tin giải trình và phương án tăng giá về điện và xăng dầu hầu hết đều mang tính áp đặt một chiều; công tác kiểm toán và giám sát đầu tư hai ngành này còn nhiều khoảng trống; với nhiều hiện tượng thất thoát, thất thu sử dụng kinh phí sai mục tiêu, quy định trong kinh doanh của hai đại gia hàng đầu đất nước này.
Giá điện và xăng dầu có ảnh hưởng mạnh trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát ở Việt Nam. Vì đều là "yếu tố đầu vào" của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội, nên các động thái giá điện và xăng dầu có ảnh hưởng trước hết và trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa - dịch vụ "sản phẩm đầu ra" xã hội. Do đó mỗi khi giá những mặt hàng này tăng sẽ trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp bao gồm cả lạm phát giá cả, lạm phát chi phí và lạm phát tâm lý và còn bị nhân lên bội phần bởi các chiêu tung tin đồn thất thiệt và đầu cơ sẽ bùng phát cùng vói sự gia tăng giá xăng dầu ở Việt Nam. Điều này khiến cho mức ảnh hưởng của tăng giá điện và xăng dầu đến lạm phát thực tế sẽ luôn lớn vượt hơn bất cứ sự tính toán cứng nhắc và dự báo có tính chất an ủi nào của các cơ quan, đơn vị được giao đánh giá tác động của tăng giá xăng dầu đến thị trường.
Minh bạch giá điện và xăng dầu
Để góp phần giải bài toán minh bạch hóa giá điện và xăng dầu theo nguyên tắc thị trường với mục tiêu xóa bao cấp, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đơn giản hóa quy trình quản lý, tính toán và tăng tính minh bạch hóa và có thể dự báo được của giá về điện, xăng dầu ở nước ta trong thời gian tới, trước hết cần xây dựng khung giá chuẩn cho điện và xăng dầu. Khung giá này sẽ gồm giá sàn và giá trần, trong đó giá sàn là phần cứng và giá trần là phần mềm. Giá sàn chuẩn sẽ là mức giá bán tối thiểu để doanh nghiệp kinh doanh điện và xăng dầu không thể bị lỗ khi bán điện và xăng dầu khiến ngân sách Nhà nước (NSNN) phải bù như bấy lâu nay. Khi đó giá sàn sẽ chỉ gồm các chi phí sản xuất và truyền tải (đối với điện), chi phí mua nhập và lưu thông và hao hụt định mức kỹ thuật tối thiểu (đối với xăng dầu) để có được một đơn vị điện và xăng dầu tới tay người tiêu dùng (giá thực tế, bao gồm có tính đến biến động thực của tỷ giá). Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh điện và xăng dầu được toàn quyền điều chỉnh giá phù hợp với những biến đổi thành phần khách quan, có thông báo và giải trình công khai với cơ quan chức năng và người tiêu thụ.
Tiếp đến, cần đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức đầu tư - kinh doanh điện và xăng dầu. Trên cơ sở các quy hoạch phát triển ngành, cần thiết kế các chính sách tạo thuận lợi cao nhất cho đầu tư phát triển ngành khai thác, phân phối xăng dầu và điện từ các nguồn vốn Nhà nước, ngoài nhà nước và cả sự phối hợp các nguồn vốn theo các hình thức đầu tư công - tư kết hợp khác.
Một việc nữa là tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý Nhà nước, mở rộng sự minh bạch và giám sát xã hội đối với ngành điện và xăng dầu cũng là yếu tố quan trọng để minh bạch hai ngành kinh doanh này. Trước hết là việc công khai và kiểm toán sự chính xác của "ma trận" và "thiên la địa võng" các con số tự kê, tự giải trình chi phí thực tế "đầu vào", các nghĩa vụ tài chính với NSNN và lợi nhuận định mức tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh điện và xăng dầu; cung cấp rộng rãi thông tin và khuyến khích phản biện khoa học và phản biện xã hội về hoạt động, chi phí và giá cả trong ngành điện và xăng dầu.
Cuối cùng là sớm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa và cạnh tranh lành mạnh, tách hoạt động kinh doanh xăng dầu ra khỏi nhiệm vụ chính trị của yêu cầu dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ khi đó giá điện và xăng dầu mới thực sự có tính thị trường, minh bạch và dễ dự báo. Và điều quan trọng là tạo sự đồng thuận và hiệu quả xã hội cao hơn…
Theo TS. Nguyễn Minh Phong
Báo điện tử KT & ĐT