Việc giảm giá xăng bán lẻ 500 đồng/lít là kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết sáng nay (10/5), theo tính toán, mức chênh lệch bình quân 30 ngày của xăng là 828 đồng/lít. Theo đó, trích vào thuế 2% (300 đồng) còn giảm với tiêu dùng là 500 đồng.
PV: Thưa ông, dư luận cho rằng, việc giảm giá xăng 500 đồng/lít ngày 9/5 là không thấm tháp gì so với 2 đợt tăng giá đầu năm 2012. Vậy lý do nào khiến giá xăng giảm chưa như mong đợi của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Chúng tôi có tính 2 cách tính chênh lệch giá xăng dầu: 30 ngày và cách tính sau ngày DN điều chỉnh giá thời điểm gần nhất (20/4). Theo qui định của pháp luật hiện hành (Nghị định 84), chúng tôi áp dụng cách tính giá theo bình quân 30 ngày.
Nếu tính 30 ngày, từ 9/4 đến 8/5/2012 so với bình quân 30 ngày trước đó giá các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 2,78 đến 4,69 %.
Cách tính thứ 2, xem xét từ ngày 20/4, thấy rằng chênh nhau của 20 ngày và 30 ngày không nhiều. Tính từ 20/4 đến hôm qua thì bình quân các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 1,86-5,18. Nếu tính toán giá cơ sở theo qui định hiện hành và các thông số hiện hành (tỷ giá, thuế nhập khẩu 0%, chi phí lưu thông, lợi nhuận định mức…) thì nếu tính 30 ngày chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán hiện hành thì giá cơ sở thấp hơn giá hiện hành đối với xăng là 828 đồng. Còn theo phương án tính 20 thì chênh lệch 1.100 đồng với xăng, diesel giá cơ sở thấp hơn giá bán 616 đồng (cách tính 20 ngày) còn với phương án 30 ngày là 702 đồng. Thế nhưng, giá xăng dầu ngày 8/5 xuống 121 USD/thùng, nhưng không thể có xăng dầu giá ấy về ngay trong nước được mà phải mất trên 10 ngày mới có.
Bộ Tài chính đã đề xuất các phương án hoặc là đưa phần chênh lệch vào thuế 100% hoặc giảm giá 100% hoặc là vừa đưa vào thuế vừa giảm giá. Chính phủ đã lựa chọn phương án vừa đưa vào thuế vừa giảm giá để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mức thuế đã giảm về 0% từ rất lâu nay. Barem thuế qui định với xăng 20%, diesel 15%, nhưng lần này mới vào được 2%. Nhiều quan điểm đề nghị giữ mặt bằng giá và cho hết vào thuế để đề phòng khi giá thế giới lên.
PV: Như vậy, quan điểm cho rằng giảm nhỏ giọt hoặc giảm 1 phần tăng 3 phần là không chính xác, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc tăng hay giảm giá phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá chứ không thể căn cứ vào tâm lý. Giá của chúng ta phụ thuộc 70% vào giá xăng dầu thế giới. Xăng dầu thế giới tăng giảm là tín hiệu ta phải xem xét, vì đấy là một nhân tố hình thành giá quan trọng không thể bỏ qua. Ngoài ra còn có những yếu tố trong nước trong đó có tâm lý, nguyện vọng của người tiêu dùng nhưng nó phải trên cơ sở là yếu tố kinh tế. Bây giờ chỉ chênh 828 đồng/lít nếu giảm giá 100% thì chỉ giảm 800 đồng. Nếu kết hợp hài hòa thì Nhà nước vào thuế 2% (300 đồng) còn giảm với tiêu dùng là 500 đồng.
Việc cân nhắc thuế cũng phải “nhìn” đến chỗ Nghi Sơn, chúng ta cam kết bao tiêu thuế 7%. Cho nên quyết định ra thuế thấp hơn bao nhiêu là phải bù vào bằng đó. Nếu quyết định thuế càng thấp thì bù càng lớn. Thuế xăng dầu chúng ta về 0 đã rất lâu rồi. Khi điều kiện cho phép ta cũng phải khôi phục dần thuế để có điều kiện, nguồn lực tài chính tiếp tục thực hiện bình ổn giá khi giá thế giới cao. Những năm vừa rồi, chính ta lùi thuế về 0% để giá trong nước không bị tác động của giá thế giới tăng cao qua. Dự báo, từ nay đến cuối năm khoảng quí 3, 4 (mùa đông) nhu cầu dầu tăng thì giá xăng dầu có thể nhích lên. Nếu ta vào được thuế thì có nguồn lực để lúc ấy có thể có thêm công cụ kết hợp bình ổn giá.
PV: Vậy, hiện nay có sự khác biệt giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp trong cách tính chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Công thức tính thống nhất giữa Bộ và DN, theo đúng quy định của Nghị định 84.
Chi phí kinh doanh tính theo giá cơ sở khống chế ở mức 600 đồng dù có những DN cao hơn, thì các DN phải tự bù. Thực tế cho thấy, chi phí kinh doanh cần thiết phải phải tính lại và đã có chủ trương tính lại. Trong 600 đồng định mức có cả hoa hồng đại lý. DN hạch toán theo thực tế nên có thể cao hơn.
Qui định giá cơ sở là có cơ hội cho DN vì chi phí kinh doanh (600 đồng/lít) và lợi nhuận 300 đồng/lít. Với chi phí 600 đồng/lít doanh nghiệp nào tổ chức được mạng lưới tốt, chi phí thấp hơn 600 thì được lợi vào kết quả sản xuất kinh doanh thực tế. Chúng ta cũng phải khuyến khích doanh nghiệp làm việc ấy. Còn những DN nào tổ chức mạng lưới không tốt, quản lý kém mà chi phí vượt 600 đồng thì phải tự trang trải lấy. Mức 600 trong giá cơ sở có nhiệm vụ tích cực là ép các doanh nghiệp làm thế nào phải hiệu quả.
Lợi nhuận 300 đồng/lít tính cho giá cơ sở cũng như vậy. Từ ép được chi phí xuống, tổ chức mua bán ở bên ngoài lúc có lợi nhất thì lợi nhuận có thể trên 300 mà Nhà nước không thu lại để DN bù lúc tăng cao.
PV: Vừa rồi, Bộ Tài chính có đưa ra gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp về thuế. Thế nhưng đến giờ chính Bộ lại tăng thuế nhập khẩu xăng lên 2%. Điều này có đi ngược chủ trương giãn, giảm thuế không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Bộ Tài chính đã có cân nhắc những vấn đề trên. Khi tính toán phương án giảm thuế, rất nhiều tính toán và đề xuất là giữ mặt mặt giá xăng dầu và vào thuế hết phần chênh lệch mà không điều chỉnh giảm giá. Khi thảo luận các phương án, chúng tôi đều cân nhắc cả ở phần bao tiêu sản phẩm nên thấy rằng mức 2% là chấp nhận được.
PV: Việc giảm giá xăng lần này có tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc giảm giá không tác động nhiều đến CPI. Theo tính toán, tác động trực tiếp đến CPI là 0,2441 % (trong đó vòng 1 là 0,0697%, vòng 2 là 0,1744%) trong điều kiện cung – cầu bình thường.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo Vũ Hạnh/ VOV online