Cập nhật: 22/05/2012 15:17:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 25/5 tới, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định sẽ tác động ra sao tới thị trường vàng trong nước thời gian tới?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia.

 

Ngày 25/5 tới đây, Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực. Theo ông, khi Nghị định có hiệu lực, liệu có nảy sinh tình trạng lách luật hay không?

 

Vàng có 2 cái nút thắt cơ bản mà theo tôi nếu giải quyết được thì sẽ khó có thể có chuyện lách luật. Thứ nhất, khả năng huy động và sử dụng vàng trong dân. Ai cũng biết khối lượng vàng tồn rất lớn trong dân. Ngân hàng Nhà nước cho biết là có khoảng 500 tấn, tương đương 40 tỷ đô la đang “nằm chết cứng” trong túi người dân. Bây giờ cơ chế làm thế nào để người dân tin và đưa vào thị trường. Để làm được điều này, đòi hỏi việc sử dụng vàng cần đảm bảo giá cả quyền lợi cho người dân. Nghĩa là ngân hàng dùng vàng để kinh doanh lấy lời, có thể phát cho người dân chứng chỉ, đưa vàng ra có thể lấy vàng về hoàn toàn, khi kinh doanh vàng trên thị trường có lãi sẽ chia lại tỷ lệ cho người dân để đảm bảo tính công bằng, có như vậy, mới khuyến khích và huy động được lượng lớn vàng đang tồn trong dân.

 

Thứ hai, là cần làm cho thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới thực sự thông nhau. Hiện nay đang có sự cắt khúc. Vàng thế giới giảm thì vàng trong nước lại tăng. Trước đây chúng ta nói là chênh lệch 400 ngàn đồng/một lượng là hợp lý và có thể coi là thông nhau. Nhưng bây giờ trên thực tế, thường xuyên có sự chênh lệch hơn 2 triệu đồng/một lượng. Như vậy là có yếu tố đầu cơ, yếu tố tâm lý, quản lý không tốt…

 

Khi lập được thị trường thông nhau, chúng ta có thể chủ động hơn, nếu giá vàng cao thì chúng ta xuất khẩu còn khi giá thấp thì lại nhập vào. Nhà nước sẽ điều hành chặt chẽ vấn đề này, có như vậy thì mới không có chuyện nâng giá bắt chẹt để ăn phần trăm cao như hiện nay.

 

Nghị định 24 đã tiến lên một bước, đó là Nhà nước độc quyền quản lý vàng, nhà nước nhập vàng miếng, nhà nước kiểm soát và cấp giấy phép cho những người đảm bảo yếu tố kinh doanh… Tất cả những điều đó là hợp lý, tuy nhiên, phải được tiến hành rất nghiêm túc thì mới ổn định bền vững được.

 

PV: Như ông đã nói, một trong 2 nút thắt là thông thương thị trường vàng trong nước và thế giới. Nhiều doanh nghiệp vàng cho rằng nếu để thông thương thì phải cho kinh doanh vàng tài khoản. Đây là vấn đề Nghị định chưa đề cập tới. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

 

Thực tế, kinh doanh vàng tài khoản không có tội vạ gì. Do mình không quản lý được, không kiểm soát được, để nó biến tướng. Nếu làm đúng nguyên tắc thế giới, có chỉ đạo kiểm soát được thì đây cũng là lối thoát khả quan cho thị trường vàng. Nhưng mở lối thoát thì phải kiểm soát được, không để lợi dụng. Nếu như nộp vào 10 cây mà kinh doanh 10 cây, làm lũng đoạn thị trường, rủi ro nhà nước chịu, dân chịu thì chắc chắn là không được.

 

PV: Trong dự thảo về Pháp lệnh ngoại hối Nhà nước đang sửa đổi, có đề cập đến kinh doanh vàng tài khoản, Nhà nước đứng ra cấp hoặc ủy quyền cho ai đủ tiêu chuẩn đảm bảo kiểm soát được, theo ông đã phù hợp chưa?

 

Theo tôi quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, phải chú ý đến cách thức quản lý, cần phải có sự kiểm soát kỹ, nắm toàn bộ xuất nhập, phân phối; thiếu thì đẩy ra, dẹp giá xuống, nhiều thì lấy tiền mua lại. Nhập xuất bên ngoài phải tính lượng dự trữ bao nhiêu để đảm bảo an toàn. Nhà nước hoàn toàn có thể làm được điều này.

 

PV: Vậy để thông thương thị trường vàng trong nước và thế giới, theo ông có nên cho tự do xuất nhập khẩu vàng không và làm thế nào để việc huy động vàng trong dân đạt được hiệu quả cao, thưa ông?

 

Điều này là không nên, nếu cho tự do xuất nhập khẩu vàng sẽ có sự đầu cơ ngay và sẽ khó kiểm soát được, do đó, Nhà nước phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ, có như vậy mới mong thị trường vàng ổn định.

 

Còn đối với vấn đề huy động vàng trong dân, để huy động vàng trong dân đạt hiệu quả cao, theo tôi phải đảm bảo cơ chế cho người dân. Bảo đảm làm sao họ không bị thiệt khi đưa vàng ra thị trường. Hơn thế nữa, huy động vàng trong dân phải đảm bảo khả năng kinh doanh sinh lời để an toàn vốn. Ngoài ra, phải tính đến sự thông suốt trong điều hành xuất nhập khẩu vàng, bảo đảm thiếu thì nhập, thừa thì xuất, phù hợp với giá thế giới, không bị đầu cơ…

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Phạm Hằng/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm