Cập nhật: 23/05/2012 15:35:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lộ trình thực hiện giá các mặt hàng thiết yếu là điện và xăng theo cơ chế thị trường đã được Chính phủ khẳng định nhưng trước khi thực hiện đã bộc lộ khá nhiều bất cập

Bất cập lớn nhất trong điều hành giá điện và xăng hiện nay là giá điện chỉ diễn biến một chiều có tăng mà không có giảm, giá xăng tăng nhanh giảm chậm. Dự kiến những hạn chế này sẽ được khắc phục khi có sửa đổi căn bản về cơ chế điều hành.

 

Giảm gánh nặng cho người dùng điện

 

Cơ chế điều hành giá điện mới đã được Chính phủ trình lên kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp.

 

Thay đổi căn bản của cơ chế này là Chính phủ sẽ quyết định khung giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Còn theo cơ chế hiện hành, Chính phủ quy định mức giá bán lẻ điện bình quân, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tính toán giá bán lẻ cụ thể cho từng đối tượng khách hàng theo biểu giá lũy tiến.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, bất cập của giá điện hiện nay là mức tăng thực chất lớn hơn nhiều so với mức tăng giá bình quân do Chính phủ phê duyệt. Vì đặc thù của giá điện là tính lũy tiến nên càng dùng nhiều giá càng đắt, lại có nhiều mức giá cho các đối tượng sử dụng khác nhau nên giá điện đến tay người tiêu dùng tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng của giá điện bình quân. Đây là một gánh nặng thật sự đối với người tiêu dùng.

 

Đặc biệt từ năm 2009, Bộ Công Thương thực hiện giảm dần bù chéo giá điện sản xuất cho điện sinh hoạt nên giá điện sinh hoạt đã phải chịu mức tăng cao nhất so với điện sản xuất và điện bán cho đơn vị hành chính sự nghiệp. Mục đích của chính sách này là tạo động lực để người dân tiết kiệm điện nhưng lại dẫn đến một bất hợp lý khác là điện sinh hoạt phải chịu giá cao để gánh bớt cho cả những ngành tiêu tốn năng lượng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng trong dự thảo Luật Giá, việc đề xuất Chính phủ quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ khắc phục được độ vênh giữa giá bán lẻ điện bình quân với giá điện thực tế.

 

Rút ngắn thời hạn lấy mốc tính giá xăng

 

Không phải sửa luật như cơ chế điều hành giá điện, việc sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng có thể nhanh hơn vì chỉ cần sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

 

Nghị định 84 quy định giá cơ sở được tính bình quân của 30 ngày dự trữ lưu thông, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Chính vì quy định giá cơ sở được tính theo 30 ngày đã tạo ra tính chất “mờ ảo” của giá bán lẻ xăng dầu trong nước, tạo độ trễ với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

 

Điều này đã dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước theo tín hiệu thị trường và cả những cuộc tranh cãi không dứt về lỗ lãi của doanh nghiệp đầu mối khi xăng dầu thế giới có biến động lớn.

 

Trong diễn biến giá xăng dầu đầu tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã thử tính theo 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng/lít đối với xăng, trong khi cách tính theo 30 ngày là 828 đồng/lít. Điều này càng khẳng định việc tính giá cơ sở căn cứ theo 30 ngày là quá dài và không hợp lý, cần rút ngắn lại.

 

 

Theo Báo Người Lao Động Điện tử

Tệp đính kèm