Cập nhật: 30/05/2012 15:44:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết chưa thời điểm nào mà số doanh nghiệp trong nước phải tạm ngừng hoạt động, thua lỗ và có nguy cơ phá sản do ảnh hưởng lạm phát và suy giảm kinh tế lại nhiều như hiện nay.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết: chỉ số hàng tồn kho tính đến tháng 4/2012 đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ .Tính trên phạm vi toàn quốc, năm 2011, đã có tới 2.100 doanh nghiệp trên toàn quốc lỗ hơn 60%, với tổng lỗ lên tới 132.500 tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD. Quý 1/2012, cả nước có thêm 1,8 vạn doanh nghiệp thành lập mới, song lại có 2,8 vạn doanh nghiệp buộc ngừng hoạt động, giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh; 75% doanh nghiệp báo lỗ và lỗ thêm trong cùng thời gian này là 14.000 tỷ đồng.

 

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ với gói giải pháp tài chính, trị giá 29.000 tỷ đồng nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây cũng là gói tài chính có phạm vi xử lý mở rộng về tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước liên quan đến đất đai lớn nhất từ trước đến nay, bởi trong tám nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì năm giải pháp đầu tiên là về giãn thuế và miễn tiền thuê đất.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc giãn, gia hạn 6 tháng tiền thuế giá trị gia tăng trong quý 2/2012 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp giữ được nguồn vốn. Kết quả là các doanh nghiệp có khoảng trên 5.000 tỷ đồng/tháng với lãi suất bằng 0%.

 

Ở TP Hà Nội: Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, năm 2011, Hà Nội có tới 65% trong số 6,5 vạn doanh nghiệp đang hoạt động thua lỗ với tổng số tiền trên 42.245 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 6.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động.

 

Theo đó, trong gói giải pháp 29.000 tỷ đồng do Chính phủ triển khai, Hà Nội đóng góp khoảng 24%. Hơn nữa, Hà Nội đã có cơ chế chính sách để hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nếu có dự án tốt; các doanh nghiệp đầu tư chế biến, giết mổ, chế biến nông nghiệp được thành phố hỗ trợ và ưu đãi vốn.

 

 Đối với các doanh nghiệp đầu tư đường giao thông nông thôn, thành phố hỗ trợ mua vật liệu xây dựng và kiên cố hóa kênh mương. Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp qua cải cách thủ tục hành chính.

 

Riêng thành phố cũng có Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giao cho Quỹ Đầu tư thành phố Hà Nội với cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Vì vậy, nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thì Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp kích cầu cho cả doanh nghiệp và ngân hàng để nền kinh tế phát triển.

 

Ở TP.HCM: Chỉ trong 4 tháng đầu năm,  trên địa bàn TPHCM, có gần 8.300 doanh nghiệp (DN) làm hồ sơ ngưng hoạt động, giải thể tại cơ quan thuế.

 

Có nhiều DN đầu tư dự án nhưng sử dụng vốn vay lên đến 90%. Nay, trước tình hình kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng, hàng hóa bán không được, DN mang nợ không trả nổi lãi suất đã lâm vào tình trạng phá sản. Nhiều dự án bất động sản bán không được trong khi DN phải trả lãi suất từng ngày.

 

Do vậy, không ít DN phải rao bán để thoát khỏi nợ nần. Bởi nếu không bán được thì lãi suất sẽ “ăn” dần vào vốn.

 

Một chuyên gia kinh tế cho biết, sở dĩ những DN thoi thóp chưa “chết” hẳn là do các ngân hàng không dám động tay kê biên tài sản. Nguyên nhân trước đây ngân hàng cho vay vốn đầu tư vào dự án với tỷ lệ cao, 70%-90% trị giá đầu tư nên nay bất động sản xuống còn 50% thì có thanh lý tài sản vẫn không thu hồi được vốn, nên đành... ngậm bồ hòn làm ngọt!

 

Còn các DN sản xuất kinh doanh gặp khó do phải thu hẹp sản xuất, hàng tồn kho, sản xuất không đủ tiền trả nợ vay. Ở Việt Nam có đến 90% DN là DN nhỏ và vừa. Ở thời điểm khó khăn này, DN nhỏ và vừa là đối tượng bị tác động nhiều nhất, bị áp lực cạnh tranh nặng nề nhất, thậm chí muốn vay vốn cũng không được vì hầu hết DN này không có hồ sơ sổ sách kế toán đầy đủ để chứng minh cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay, có 8.293 DN trên địa bàn TPHCM thông báo với cơ quan thuế để ngưng hoạt động, giải thể. Nếu tính cả số hộ kinh doanh cá thể thì tổng số DN, hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động hoặc giải thể lên đến 38.284 đơn vị.

Tương tự như vậy, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa công bố kết quả điều tra, trong quý 1-2012, đã có khoảng 30% DN đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất, kinh doanh. Thống kê của Hải quan cũng cho thấy, DN tham gia xuất khẩu đã giảm từ 800 đơn vị trong quý 1-2011 xuống còn khoảng 500 đơn vị trong quý 1-2012. Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số hàng tồn kho tính đến tháng 4-2012 đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ.

 

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chính sách hạ lãi suất, khơi thông luồng vốn cho DN. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm lại giảm nên dù một số ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi DN vẫn không dám vay vì “đầu ra” cho sản phẩm là rất khó khăn, dần bị thu hẹp.

 

Còn giải pháp giãn, giảm thuế càng không hiệu quả, bởi DN rơi vào khó khăn, không có lãi thì đâu phải nộp thuế mà dùng đến chính sách giãn, giảm thuế của nhà nước.

 

Do vậy, để cứu DN thoát khỏi khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại (hiện nay số nợ xấu ở các ngân hàng thương mại của TPHCM là 36.924 tỷ đồng). Và quan trọng hơn hết là tìm đầu ra cho DN, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh bán hàng để DN bán được hàng hóa, khơi thông dòng tiền trong sản xuất kinh doanh cho DN.

 

 

Theo Hải Minh-Bảo Lâm

GD & TĐ Online

Tệp đính kèm