Theo thông tin từ cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước cùng 14 ngân hàng thương mại, từ nay đến hết 2012, nếu kinh tế vĩ mô không có những biến động bất thường, lạm phát duy trì mức tăng thấp như thời gian vừa qua, lãi suất huy động sẽ được đưa về mức 9%/năm để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, có thông tin sắp tới trần lãi suất huy động sẽ được giảm xuống còn 9%/năm. Vậy ông nhận định thế nào về thông điệp này?
Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, điều hành lãi suất của chúng ta nên có một thông điệp rõ ràng và minh bạch. Ví dụ nước Pháp thường công bố lộ trình trước khi triển khai khoảng vài năm. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động thời gian tới theo mục tiêu của lạm phát năm nay, cũng như mục tiêu lạm phát mà Nghị quyết Quốc hội thông qua là đến 2015 chỉ ở mức 5-7%. Điều đó có nghĩa là lãi suất huy động chỉ ở mức 8-9% là hợp lý và cần phải duy trì.
Quan trọng là chúng ta phải có thông điệp, lãi suất phải đi theo một tiêu chí, tức là lãi suất sẽ đi theo lạm phát cơ bản. Nếu chúng ta đi theo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) thì chúng ta sẽ chạy theo "cơn sóng" vì giá xăng dầu thế giới bùng phát sẽ làm CPI tăng lên, lúc đó lãi suất sẽ lại phải tăng theo. Khi lãi suất tăng trở lại, nhà đầu tư sẽ không dám mạnh dạn chi tiền nữa.
Hiện nay nền kinh tế suy giảm là do những người có tiền không dám đầu tư vì họ chưa biết chính sách có nhất quán hay không. Vì vậy cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng là lãi suất theo lạm phát cơ bản.
- Theo ông, việc giảm mạnh lãi suất lần tới này có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế?
Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, việc giảm lãi suất có ý nghĩa rất rộng, không chỉ có ý nghĩa làm tăng dư nợ. Một là giúp cho những doanh nghiệp có dự án đầu tư họ tính tỷ suất lợi nhuận ở mức khoảng 13-14%. Vậy khi lãi suất giảm, doanh nghiệp thấy dự án này triển khai được lúc đó họ mới thực hiện dự án.
Hai là, chúng ta tái cấu trúc lại thị trường tài chính để cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Điều mong muốn lâu nay của chúng ta là làm sao vốn hóa thị trường chứng khoán lên để doanh nghiệp bớt lệ thuộc vào ngân hàng. Và như vậy doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Lãi suất huy động 8-9%/năm thì những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận khoảng 13% là có thể huy động được. Còn nếu để lãi suất huy động cao thì những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 13-14% không thể huy động được. Bên cạnh đó, mức lãi suất hợp lý sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tăng lượng phát hành cổ phiếu và trái phiếu để tăng mức vốn hóa.
Ba là, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty để cổ phần hóa. Như vậy doanh nghiệp sẽ bán cổ phiếu. Nhà đầu tư họ thấy kênh gửi tiết kiệm không phải là kênh duy nhất nữa nên sẽ đầu tư cổ phiếu.
Bốn là, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ để triển khai các dự án đầu tư công, lãi suất giảm Chính phủ sẽ phát hành dễ hơn và với mức lãi suất thấp hơn. Nếu như năm nay dự kiến sẽ phát hành trên 100 nghìn tỷ đồng mà lãi suất từ 11-12% xuống còn 10% thì ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được từ một đến hai nghìn tỷ đồng. Nếu nguồn tiền này lại được đưa vào xây dựng trường học thì đây là kích cầu đầu tư.
Như vậy giảm lãi suất mang lại nhiều ý nghĩa chứ ko phải thuần túy tăng dư nợ.
Tôi phản đối chuyện để tăng dư nợ mà giảm nguyên tắc cho vay, như vậy thì nguy kịch lắm. Vì nền kinh tế hiện nay đang bị rủi ro là do nợ xấu. Nợ xấu là tác nhân nghiêm trọng đến suy giảm kinh tế. Nợ xấu được ví như khối u và nếu để nó thành khối u lớn và di căn lên, tàn phá nền kinh tế thì rất nguy hiểm. Và khi nới điều kiện cho vay thì nợ xấu lại tăng. Do đó, mục tiêu của Chính phủ cần hình thành nên một công ty, Ban, tổ liên Bộ để giải quyết nhanh “cục” nợ xấu. Cái nợ xấu này có thể khoảng 5-6% GDP và nếu mình kiên quyết xử lý thì sẽ giảm. Đó là điểm nghẽn nền kinh tế hiện nay.
- Theo ông có nên giảm lãi suất huy động ngay trong thời điểm này không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Cũng không nên làm vội vàng. Cuối tháng 6 có thể giảm được. Nhưng thông điệp của Chính phủ đưa ra một cách chắc chắn thì bản thân các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm trước. Còn nếu thông điệp mà đưa ra còn cân nhắc, còn xem xét CPI ra sao thì sẽ tạo tâm lý không ổn định từ nhà đầu tư.
- Nhưng hạ lãi suất xuống thấp liệu có lo ngại người dân không gửi tiền vào ngân hàng?
Ông Trần Hoàng Ngân: Điều này cũng tốt thôi, nếu người dân chi tiêu vào tiêu dùng thì giải quyết được hàng tồn kho, còn đầu tư vào bất động sản thì sẽ tốt cho thị trường này. Ngoài ra, nếu người dân đầu tư vào chứng khoán thì sẽ thúc đẩy tái cấu trúc thị trường tài chính.
Nhà đầu tư xoay vòng kiểu gì cũng tốt, chứ không nên cố thủ quá. Với lại mình nhìn số lượng người đang thất nghiệp chứ không nên chỉ nghĩ tới người có tiền gửi ngân hàng.
- Theo ông, việc đưa lãi suất về mức thấp như vậy liệu có ổn định và lâu dài được không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Theo cá nhân tôi là ổn định và thông điệp đó Thống đốc cần đưa ra./.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thúy Hà (Vietnam+)