Cập nhật: 09/06/2012 11:49:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế tại phiên họp Quốc hội sáng 8/6, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế hiện nay, nguyên nhân sâu xa, cơ bản của những yếu kém chưa được chỉ rõ, từ đó tìm ra những giải pháp tái cơ cấu phù hợp. 

Theo đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), trong quá trình tái cơ cấu phải triệt để khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ trong những năm vừa qua.

 

Đại biểu  Lê Văn Học dẫn chứng: Về công nghiệp tàu thủy và hàng hải, trong những năm vừa qua đã đầu tư dàn trải không đúng mục tiêu gây thất thoát tài sản và vốn rất nhiều. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, ngành tàu biển trong giai đoạn năm 2011 - 2020 sẽ mua và đóng mới khoảng 160 con tàu, dự toán 100.000 tỷ, sau khi báo chí nêu, các nhà khoa học phản biện, Vinalines lại điều chỉnh tổng kinh phí xuống 68.000 tỷ. “Chỉ trong vài hôm quy hoạch đã được thay đổi và giảm 32.000 tỷ, nếu làm quy hoạch như thế này chúng tôi khó tin được.”- Đại biểu Lê Văn Học nói.

 

Về vốn đầu tư ra nước ngoài, theo Bộ Kế hoạch đầu tư, đến hết tháng 2/2011 đã có hơn 570 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra 55 quốc gia, phần vốn đầu tư vượt hơn 10 tỷ đô la, lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư rất thấp. Một số chưa có lợi nhuận gì như ngành dầu khí, số vốn chuyển ra nước ngoài là 1.030 triệu đô la nhưng lợi nhuận chuyển về nước mới chỉ là 38,8 triệu đô, nhà nước rất khó kiểm soát các loại đầu tư kiểu này cũng như rủi ro dễ xảy ra...

 

Từ các dữ liệu và phân tích trên, Đại biểu  Lê Văn Học kiến nghị phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư sao cho tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và dàn trải, thận trọng, đặc biệt là trong xây dựng cơ bản, trong công nghệ rất tốn kém và rủi ro.

 

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng đề nghị: Về tái cơ cấu doanh nghiệp, Nhà nước cần phải đánh giá sâu sắc thực trạng doanh nghiệp Nhà nước qua các khía cạnh vốn và tình trạng sử dụng vốn hiệu quả kinh doanh; vấn đề quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước và quản lý của các tập đoàn. Phải làm rõ vai trò doanh nghiệp Nhà nước trước đây, hiện nay và các luật, các văn bản dưới luật, các cơ chế chính sách vĩ mô, vi mô hiện nay đang vận hành đối với doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông) cho rằng với 3 tuyến tái cơ cấu ưu tiên mà Chính phủ đã đặt ra trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, vai trò của đầu tư công phải xác định là dẫn dắt nguồn lực chảy vào đâu mà hạt nhân của đầu tư công là hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.” Việc phân bổ nguồn lực cho khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng vì nếu sai sẽ gây méo mó thị trường.” – Đại biểu  Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

 

Theo đó, cần phải có sự công bằng thực sự để nguồn lực của đất nước sẽ tập trung đúng vào nơi quản lý hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị và việc làm hơn trên cơ sở góp vốn đầu tư.

 

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) nhận định: Thực tế tái cơ cấu kinh tế hiện nay chúng ta đang làm và rất nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn trong cả nước chúng ta hiện nay đang thực hiện, đây là vấn đề sống còn của một doanh nghiệp cũng như sự phát triển của các tập đoàn kinh tế. Do đó, đại biểu  Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng trước tiên, phải đánh giá lại một cách tổng thể về các nguồn lực trước khi chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế. Đại biểu  Nguyễn Ngọc Bảo quan niệm nguồn lực ở đây gồm có nguồn lực về tài nguyên, thiên nhiên, khoáng sản và cả trình độ về khoa học công nghệ. Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất, quý giá nhất là tài nguyên sử dụng con người. Cụ thể, phải chọn được những con người có đủ các phẩm chất đạo đức, trí tuệ để đảm nhiệm được trọng trách của người đứng đầu. “Tôi cho đây là vấn đề quan trọng nhất của vấn đề tái cơ cấu.” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ./.

 

 

 

Theo báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm