Cập nhật: 16/06/2012 10:50:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, chương trình bình ổn thị trường (bình ổn giá) đã góp phần không nhỏ vào việc kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Hình thành cách đây 10 năm, đến nay chương trình đã được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được chương trình bình ổn giá cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Đảm bảo cân đối cung cầu, bảo đảm an sinh xã hội

 

Chương trình bình ổn thị trường do TP Hồ Chí Minh thực hiện từ năm 2002 và được Thành phố liên tục tiến hành đến nay; các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Kon Tum… thực hiện từ năm 2008; còn lại các địa phương khác bắt đầu thực hiện từ năm 2010.

Đánh giá chung về chương trình bình ổn thị trường, Bộ Tài chính nhận định đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần vào việc vừa đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; cung cấp hàng hoá có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt là trong thời gian các dịp trước, trong và sau tết.

Bên cạnh đó, chương trình đã góp phần tích cực vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời, có sức lan tỏa đối với các địa phương lân cận và trên phạm vi cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội – 2 thành phố có tác động lớn đến chỉ số giá CPI chung cả nước, là nơi phát luồng hàng đi các tỉnh thành phố lân cận, cũng là nơi thu hút, tiêu thụ hàng hóa, lương thực, rau củ quả, thực phẩm của các tỉnh xung quanh. Do đó, hiệu quả xã hội, việc làm, thu nhập, kiềm chế lạm phát của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương lân cận từ chương trình này là rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian triển khai chương trình bình ổn thị trường, chỉ số giá tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội được kiềm chế, phần lớn là thấp hơn hoặc tương đương chỉ số giá tiêu dùng của cả nước; qua đó, có sức lan toả đến các địa phương và khu vực lân cận; đồng thời, việc bình ổn giá của 2 địa phương này có tác dụng chia sẻ cùng Trung ương trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trên phạm vi cả nước và góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội (2 địa phương này chiếm quyền số lớn trong cơ cấu tính CPI của cả nước).

Đối với các địa phương khác, ngoài tác dụng nhất định đến việc bình ổn giá mặt hàng thiết yếu, Chương trình còn mang nhiều ý nghĩa kinh tế- xã hội góp phần vào công tác kiềm chế lạm phát của cả nước. Thực tế cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng của nhiều địa phương (trừ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) có xu hướng cao hơn chỉ số giá của cả nước. Vì vậy, công tác bình ổn giá tại các địa phương là hết sức quan trọng và cần phải được tăng cường.

Đặc biệt, chương trình đã có những tác động không nhỏ đối với người tiêu dùng. Qua chương trình, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hoá thiết yếu với giá thấp hơn thị trường từ 5%-15%, nhất là người lao động, người thu nhập thấp (theo báo cáo thì hiện số điểm bán hàng bình ổn giá tại khu vực chợ truyền thống, nông thôn chiếm khoảng 50% trong tổng số điểm bán hàng bình ổn giá ); Các tình huống thiếu hàng, sốt giá từng bước được khắc phục.

Điều đáng chú ý, chương trình bình ổn giá ngày càng hướng đến phục vụ người có thu nhập thấp, tập trung vào người tiêu dùng ngoại thành, các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Hàng hoá trong chương trình đều tập trung vào những hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, những hàng hoá này có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả; các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã chủ động mở rộng hợp tác liên kết, thực hiện mục tiêu bình ổn giá, gắn kết giữa đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm giá cả sản phẩm hàng hóa ổn định.

Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi các mặt hàng trong chương trình này đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng đã chủ động được việc bảo đảm nguồn hàng, dự trữ hàng hóa từ trước, tránh tình trạng khan hàng sốt giá nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, cũng như góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá trên thị trường; nâng cao uy tín, trách nhiệm và thương hiệu của doanh nghiệp; từ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược kinh doanh hợp lý, bền vững. Ngoài ra, triển khai thực hiện chương trình giúp cho các cơ quan nắm bắt kịp thời diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, từ đó đề xuất giải pháp bình ổn giá phù hợp.

 

Vẫn còn những hạn chế...

 

Hầu hết các địa phương đều đánh giá mặt tích cực của chương trình bình ổn thị trường và đều đề nghị tiếp tục thực hiện chương trình. Tuy nhiên, do đến nay chương trình đã bộc lộ một số mặt hạn chế nhất định.

Cụ thể, theo đánh giá của Bộ Tài chính, vốn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, kinh phí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 0% chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bình ổn trên địa bàn, từ đó hạn chế tác dụng bình ổn giá thị trường.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện hầu hết các địa phương (trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) chỉ tập trung trong vòng từ 3-4 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Tại nhiều địa phương, điểm bán hàng bình ổn giá mới chỉ tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại, đô thị lớn, trong khi nông dân, người thu nhập thấp và người nghèo lại tập trung ở nông thôn, vùng sâu vùng xa nên ít có điều kiện tiếp cận Chương trình.

Đáng chú ý, chương trình bình ổn thị trường mới chỉ tập trung vào hỗ trợ vốn hoặc lãi suất 0%, chưa gắn kết với các đề án, chương trình bổ sung như phát triển kinh tế - xã hội địa phương, liên kết giữa sản xuất - lưu thông - bán lẻ, chưa gắn với sắp xếp lại hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ.

Tỷ trọng vốn được hỗ trợ lãi suất chiếm trong giá thành mặt hàng bình ổn rất nhỏ (chỉ từ 1,5%-2,0%), trong khi giá bán hàng bình ổn giá phải thấp hơn giá thị trường 5-15% là điều khó thực hiện đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí đầu vào và giá thị trường có xu hướng tăng nhanh.

Mặt khác, do giá bán hàng bình ổn thường thấp hơn giá thị trường nên vô hình chung hình thành cơ chế 2 giá, tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, mua đi bán lại hàng bình ổn giá, hưởng chênh lệch giá; có thời điểm tạo ra khan hiếm giả tạo khiến đơn vị bán hàng bình ổn phải bán theo định lượng.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bán hàng bình ổn đúng giá cam kết, hoặc đăng ký giá kịp thời theo diễn biến thị trường còn gặp nhiều khó khăn, không kịp thời do lực lượng mỏng, thời gian xem xét điều chỉnh giá lâu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng giá bán hàng bình ổn cao hơn giá thị trường.

 

Một số giải pháp để phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường

 

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương chủ động đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình trong thời gian qua; từ đó căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để xem xét quyết định việc tiếp tục triển khai chương trình và biện pháp bình ổn giá chung cho năm 2012 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lớn, chủ lực tham gia dự trữ lưu thông đối với một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống để chủ động nguồn cung, can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường, giá cả.

Ngoài việc chủ động đánh giá và tổ chức triển khai chương trình bình ổn thị trường như trên, bản thân các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng.

Bên cạnh đó, cần thực hiện giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không hợp lý; kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao. Đồng thời giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp được áp dụng chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, tiền thuê đất, nhất là đối với doanh nghiệp có cam kết không tăng giá.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…; xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý; ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn, lậu thuế, găm hàng thao túng thị trưởng giá cả.

Kinh phí thực hiện chương trình của các địa phương tăng dần qua các năm: Tổng kinh phí dự trữ hàng Tết Nguyên Đán Canh Dần năm 2010 khoảng 950 tỷ đồng; Tết Nguyên Đán Tân Mão năm 2011 tăng lên tới 2.644,8 tỷ đồng (của 43 địa phương) ; Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 (của 30 địa phương có báo cáo) là 1.552,875 tỷ đồng (bằng 1,41 lần so với số liệu 1.097,3 tỷ đồng năm 2011 của 30 địa phương tương ứng).

Nguồn kinh phí: Do nguồn lực tài chính mỗi địa phương khác nhau nên kinh phí giành cho chương trình tại mỗi địa phương cũng được trích từ những nguồn khác nhau, trong đó: đa số địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, các địa phương khác sử dụng nguồn Quỹ Đầu tư phát triển hoặc quỹ Dự trữ tài chính; một số địa phương khác thì chỉ hỗ trợ lãi suất vay vốn.

 

 

Theo Minh Phương/ĐCSVN 

 

Tệp đính kèm