Cập nhật: 24/07/2012 15:48:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 24/7, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng Bảy tiếp tục giảm phát tháng thứ hai liên tiếp, với mức âm 0,29% và là mức thấp nhất so với các tháng Bảy kể từ năm 2004 trở lại đây.

Với đà giảm phát này, CPI bảy tháng qua chỉ tăng 2,22% so với tháng 12/2011 và tăng 11,2% so với bình quân cùng kỳ 2011.Vụ trưởng Vụ giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết, CPI tháng Bảy tiếp tục giảm phát tháng thứ hai là do ba nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thứ tự trong rổ hàng hóa chung gồm hàng ăn dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (chiếm trên 10%); giao thông (gần 9%) tiếp tục giảm mạnh.

 

Bên cạnh đó, với tỷ trọng chiếm tới 30% trong CPI chung, việc cả hai thành phố đầu tầu kinh tế của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm phát sâu theo thứ tự là âm 0,29% và 0,57% đã “kéo” CPI cả nước xuống rõ rệt.

 

Ông Thắng chỉ rõ, ở góc độ rộng hơn, CPI tháng Bảy tiếp tục giảm phát là sự phản ánh rõ nét sức mua bị sụt giảm rất mạnh khi người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Mặt khác, thực trạng tín dụng tăng trưởng thấp, doanh nghiệp phá sản nhiều, hàng tồn kho lớn cũng là các nguyên nhân khiến CPI tiếp tục âm trong tháng Bảy.

 

Ông Thắng cũng cho biết, việc giá điện tăng bình quân thêm 5% từ ngày 1/7 cũng như tăng giá xăng thêm 400 đồng/lít vào ngày 20/7 vừa qua trên thực tế chưa tác động đến CPI do thời điểm chốt số liệu tính toán CPI là ngày 15/7. Vì vậy, tác động của việc tăng giá điện, giá xăng lên CPI chung sẽ được phản ánh rõ rệt nhất trong tháng Tám.

 

Trong tháng Bảy, CPI giảm ở 4/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức giảm từ 0,08%-2,1%; trong đó giảm mạnh nhất là nhóm giao thông và giảm nhẹ nhất là nhóm bưu chính viễn thông. Còn nhóm hàng tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 3,36%.

 

Do giá xăng dầu thế giới giảm, nên xăng dầu trong nước giảm giá bán hai đợt vào các ngày 21/6 và 2/7, tổng cộng mỗi lít xăng giảm 1.300 đồng/lít, dầu hỏa giảm 550đồng/lít, dầu diesel giảm 600đồng/lít và chỉ số giá xăng dầu chung tháng 7/2012 giảm 6,05% so với tháng trước.

 

Giá gas trong nước trong tháng cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm theo giá gas thế giới với mức giảm 8,39%. Theo đó, giá một số dịch vụ giao thông công cộng như tàu hỏa giảm 0,38%, taxi giảm 0,42%, xe khách giảm 0,33%.

 

Cùng với xăng dầu, chất đốt, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục giảm do nguồn cung khá dồi dào. Giá lương thực tháng Bảy giảm khá mạnh với mức 1,49% so với tháng Sáu khi miền Bắc bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, miền Nam thu hoạch vụ lúa Hè Thu với năng suất cao. Bên cạnh đó, giá gạo trong nước cũng giảm 1,86% do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bị giảm mạnh khi phải cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Myanmar.

 

Với mặt hàng thực phẩm, chỉ số giá nhóm này cũng giảm tới 0,45% do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của người dân về các loại thực phẩm giảm khi thời tiết nắng nóng. Cụ thể, giá thịt lợn giảm 2,38%; thịt gia cầm giảm 1%, giá các mặt hàng thịt chế biến giảm 0,1% theo giá thịt lợn.

 

Dự báo về CPI tháng Tám, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết hiện giá dịch vụ y tế đã được Bộ Y tế công bố điều chỉnh tăng gấp nhiều lần so với mức giá cũ; trong đó, một số tỉnh đã áp dụng từ tháng Bảy, một số tỉnh sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng Tám, nên đây sẽ là yếu tố đóng góp khá mạnh vào tăng CPI trong tháng Tám.

 

Ngoài ra, giá xăng, giá điện tăng cùng thời điểm cũng sẽ khiến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ liên quan có sự điều chỉnh giá và sẽ tác động vào CPI tháng Tám. Vì vậy, khả năng CPI tháng Tám sẽ không tiếp tục giảm phát như tháng Sáu và Bảy này.

 

Trong khi đó, tiến sỹ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng nếu tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, những nút thắt của nền kinh tế chưa được tháo gỡ như tín dụng vẫn tăng thấp, số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn, hàng tồn kho cao thì khả năng CPI tháng Tám sẽ tiếp tục âm. Theo đó, lạm phát năm 2012 sẽ chỉ xoay quanh mức 5,5% và tăng trưởng GDP ở mức 5%./.

 

 

Theo Nguyễn Kim Anh/TTXVN

 

Tệp đính kèm