Cập nhật: 06/08/2012 17:02:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những hộ ND có sản lượng thóc từ 5 tấn trở lên có thể sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền để tự tạm trữ. Đó là một trong những biện pháp tạm trữ vừa được Bộ NNPTNT đề ra trong dự thảo lần 2 Quy chế tạm trữ lúa gạo.

Việc mua tạm trữ không còn hiệu quả

 

Dự thảo về Quy chế tạm trữ lúa gạo lần này vẫn đặt ra mục tiêu hỗ trợ nông dân (ND) và doanh nghiệp (DN) tạm trữ lúa gạo trong 2 vụ thu hoạch đông xuân và hè thu nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ sản xuất, nâng cao giá bán và thu nhập cho ND. Theo đó, đối tượng hưởng lợi là hộ ND trồng lúa tại ĐBSCL; các DN kinh doanh lương thực trực tiếp mua thóc gạo của ND. Khối lượng và thời điểm tạm trữ đối với vụ đông xuân là 1 triệu tấn quy gạo, được triển khai trong các tháng 2 và 3 hàng năm. Đối với vụ hè thu, khối lượng tạm trữ là 1-1,5 triệu tấn quy gạo, triển khai trong các tháng 7, 8, 9 hàng năm.

 

Các hộ có từ 5 tấn thóc trở lên có thể được hỗ trợ tiền để tự tạm trữ.

 

Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong nhiều năm nay, kể cả trước khi có Nghị định 109 về kinh doanh xuất nhập khẩu gạo, mỗi khi lượng tồn kho lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tăng, ảnh hưởng đến tiêu thụ, Chính phủ đều giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thu mua tạm trữ từ 500.000 đến 1 triệu tấn gạo”. Tuy nhiên, theo ông Đô, phương thức mua tạm trữ này đã bộc lộ một số hạn chế như: Không kiểm soát được việc mua bán thóc gạo của DN; DN hầu như không mua thóc, gạo trực tiếp từ người trồng lúa.... nên ND không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ.

 

Hộ có 5 tấn thóc mới được hỗ trợ

 

Một trong những chính sách quan trọng được nêu trong dự thảo lần này là để được hỗ trợ, các hộ dân cần có từ 5 tấn thóc/hộ trở lên, còn các DN tùy theo điều kiện, khả năng và yêu cầu của địa phương sẽ được hỗ trợ tạm trữ. Hình thức tạm trữ cũng có nhiều phương án như: ND tạm trữ tại nhà, tại cơ sở sản xuất của mình; hộ ND tạm trữ tại kho của DN; DN trực tiếp mua thóc gạo của ND trồng lúa thông qua hợp đồng ký với hợp tác xã (HTX), hộ nông dân...

 

Quy chế cũng nêu rõ, để được hưởng chính sách tạm trữ, hộ ND, DN phải dùng tài sản của mình (có thể tài sản là thóc để thế chấp) hoặc một tổ chức cá nhân có tài sản bảo lãnh thế chấp với ngân hàng để vay vốn, kèm theo thủ tục: Hộ ND tạm trữ tại nhà phải có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã; trường hợp tạm trữ tại kho của DN phải có phiếu xác nhận của chủ DN. Còn DN tạm trữ phải có hợp đồng mua thóc gạo trực tiếp với ND và có phiếu xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã, nơi hộ ND, tổ hợp tác, HTX bán thóc gạo cho DN...Bộ NNPTNT cũng đề xuất, với tình hình sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở nước ta như hiện nay, có thể phải đưa ra chính sách tạm trữ dài hạn. Tức là hàng năm thấy giá gạo xuống thấp, vào các vụ thu hoạch, căn cứ lượng tồn kho nếu ở mức 1 triệu tấn sẽ đề xuất tạm trữ.

 

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo cần làm rõ hơn việc định giá thu mua và mua như thế nào để có lợi nhất cho người trồng lúa, vì thực tế thời gian qua ND chưa được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước. Về vấn đề này, bà Đinh Thị Nương - Trưởng phòng Nông lâm thủy sản, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: “Giá cả là theo cơ chế thị trường, nên tạm trữ trong thời gian giá lúa xuống thấp hơn giá thành, khi đó Nhà nước mới tạm trữ. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách. Về tính giá mua tạm trữ, nên căn cứ tình hình thực tế của mỗi địa phương (điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, năng suất), từ đó giao UBND tỉnh tính trên cơ sở năng suất và sản lượng của từng vụ để mua cho ND có lãi thì mới sát thực tế hơn”.

 

 

Theo Báo điện tử Dân Việt

Tệp đính kèm