Cập nhật: 10/08/2012 15:29:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành Cơ khí Việt Nam" do Bộ Công Thương, Báo Công Thương và Hiệp hội các Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phối hợp tổ chức.

Với mục đích đánh giá kết quả thực hiện, hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các dự án công nghiệp hỗ trợ, cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí nói riêng phát triển, hội thảo thu hút được gần 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý.

 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh: Công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, đến nay, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí Việt Nam chưa phát triển kịp so với yêu cầu.

 

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng cho rằng: trong quá trình CNH-HĐH ở Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các ngành công nghiệp chính phát triển bền vững, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ được tiếp cận các hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp chính. Phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng giúp doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư vào sản xuất từ A đến Z mà vẫn có thể tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ Trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương: hiện nay cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí trong tổng số 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí, trong đó có gần 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể và 156 xí nghiệp tư doanh. Khoảng 50% cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại hầu hết là các cơ sở sửa chữa. Tổng số vốn của ngành cơ khí quốc doanh vào khoảng 360-380 triệu USD, tổng vốn đăng ký FDI vào ngành cơ khí khoảng 2,1 tỷ USD, trong đó hơn 50% tập trung vào lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy và các mặt hàng tiêu dùng khác.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng cho biết: phần lớn công nghệ chế tạo cơ khí trong nước vẫn còn đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Máy móc thiết bị qua nhiều năm sử dụng đã kém về tính năng kỹ thuật và độ chính xác, thiếu phụ tùng thay thế cũng như bảo dưỡng định kỳ và vốn để đổi mới, nâng cấp.

 

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các doanh nghiệp các đối tác nước ngoài và các địa phương có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, cập nhật thông tin và thống nhất giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí Việt Nam./.

 

 

Theo Kim Dung/Báo Điện Tử ĐCSVN

Tệp đính kèm