Trong điều kiện các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas tăng giá kéo chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng, Sở Công thương Hà Nội đang thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường.
Trước mắt, Sở Công thương Hà Nội chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá hàng hóa, trên cơ sở đó cân đối cung cầu hàng hóa. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa được đầy đủ, Sở phối hợp cùng các ngành, các cấp và chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chủ động tăng cường khai thác nguồn hàng, dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2012 đang được triển khai thông qua việc tạm ứng cho các doanh nghiệp nguồn vốn ưu đãi với lãi suất 0% giúp các doanh nghiệp thu mua ổn định lượng hàng hóa đầu vào với chất lượng đảm bảo từ đó cung ứng ra thị trường phục vụ tốt nhu cầu nhân dân. Đến nay đã có 689 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố.
Cùng với việc tăng cường nguồn hàng, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá), đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng bình ổn giá nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Sở Công thương cũng dự báo, giá lúa gạo nội địa sẽ tăng trong thời gian tới do lượng gạo xuất khẩu tăng.
Hiện nay ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với một loạt khó khăn nên thời gian tới, giá nhóm hàng này sẽ biến động tăng. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tiếp, diện tích rau hỏng do ngập úng tương đối lớn, nguồn cung suy giảm nên dự báo giá rau xanh vẫn ở mức cao thời gian tới.
Trong tháng 8, do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu và đợt mưa bão trong những ngày qua khiến giá thực phẩm tươi sống tăng nhẹ. Tuy nhiên việc tăng giá các mặt hàng này không phải do nguồn cung thiếu mà do các tư thương lợi dụng mưa bão tự động tăng giá, đồng thời việc tăng giá xăng cũng làm tăng chi phí vận chuyển khiến giá thực phẩm tăng.
Theo Đinh Thị Thuận
Báo Tin tức - TTXVN