Cập nhật: 10/09/2012 16:49:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháng 8, giá xăng tăng ba lần, đầu tháng 9 giá gas lên tới hơn 500 ngàn đồng/bình 12kg, giá lương thực, thực phẩm ngoài chợ tăng theo, khiến cuộc sống của người nghèo thêm khó.

 

Bữa cơm teo tóp dần

 

Tại chợ vùng ven cạnh KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), giá rau xanh tăng liên tiếp.Cụ thể, rau muống: 5.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ; bắp cải từ 13 ngàn lên 15 ngàn đồng/kg, rau cải 17.000 đồng lên 19.000 đồng/kg; Không chỉ rau xanh, thịt lợn ba chỉ tăng 10 ngàn thành 110 ngàn đồng/cân, thịt mông, thịt thăn, mỡ phần: đồng loạt tăng tương tự.

 

Thu Hoài (18 tuổi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: Xăng vừa mới tăng thì tiền phòng trọ cũng tăng theo. “Ngoài chợ giá cả mọi thứ vin vào tăng chóng mặt. Bữa cơm công nhân của bọn em ngày càng hẻo”- Hoài kể.

 

Bình thường một tuần Thu Hoài mua thịt 3 lần nhưng khi giá thịt tăng thì thay vì ăn thịt, Hoài và các nữ công nhân cùng trọ mua mỡ phần về rang thành tóp mỡ kho lên ăn dần.

 

"Lương đã thấp, giá cả lại đắt đỏ, nếu không tiết kiệm thì sao có tiền gửi về quê cho bố mẹ”, Hoài nói.

 

Tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), giá tôm nõn: 200 ngàn đồng/kg (tăng 20 ngàn đồng/kg), ngao trắng: 30 ngàn đồng/kg, cá chép: 75 ngàn đồng/kg, thịt bò thăn: 190 ngàn đồng.

 

Chợ Phùng Khoang là chợ đầu mối khu vực Thanh Xuân nên khi giá tăng, nhiều người dân đã đổi thói quen từ đi chợ lúc trưa, chiều tối sang đi chợ lúc sáng sớm để mua được giá rẻ. Một tiểu thương bán ngao cho biết: Trước đây 7 giờ sáng mới mở hàng này thì nay đi từ 5 giờ sáng có khách mua rồi.

 

Siêu thị giữ giá đến quý IV

 

Cho đến thời điểm hiện tại, các siêu thị lớn như: Big C, Fivimart, Coop Mart; Ebestmall, Hapro... chưa tăng giá bất kỳ mặt hàng lương thực, thực phẩm nào.

 

Bà Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart, cho biết: “Chúng tôi tăng giá hay không phụ thuộc vào đơn vị cung cấp chứ không tự ý tăng giá được. Dự kiến trong quý IV năm nay siêu thị mới có đợt rà soát lại giá cả. Đó cũng là thời điểm nhập nguồn hàng mới, nên có tăng giá cũng phải đến quý IV”.

 

Bà Thu Huyền - Nhân viên truyền thông siêu thị Big C cho hay: “Các nhà cung cấp đang rục rịch đề nghị tăng giá các mặt hàng trong quý IV, nhưng quan điểm của siêu thị là hạn chế tối đa việc điều chỉnh giá dịp này, bởi trong bối cảnh khó khăn, hiện sức mua vẫn đang giảm. Nếu lại tăng giá sẽ không kích cầu được tiêu dùng”.

 

Ông Đỗ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích: “Cứ theo quy luật mỗi lần xăng tăng giá, các bà tiểu thương ngoài chợ lại nhích giá lên một ít. Điều này ảnh hưởng tới cuộc sống của những người nghèo, nhất là công nhân tại KCN. Theo ông Phú, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của những người dân nghèo, đặc biệt là công nhân trong KCN”. Có thể bằng những điểm bán hàng bình ổn lưu động.

 

 

Theo Ngọc Mai/Tiền Phong Online

Tệp đính kèm