Cập nhật: 15/10/2012 15:32:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra kịch bản kinh tế năm 2013, với mục tiêu là GDP tăng khoảng 5,5%, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7-8% so với năm 2012. Như vậy, từ góc độ chủ quan, đã có thể hình dung về bức tranh kinh tế quốc dân năm 2013 sẽ là GDP tăng cao hơn, nhưng lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2012.

Đây là mục tiêu khá cao và cũng không dễ thực hiện suôn sẻ trong bối cảnh đời sống kinh tế quốc tế cũng như trong nước còn ẩn chứa nhiều bất lợi. Phân tích kỹ có thể thấy, nền kinh tế sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, theo đà tiếp nối từ thời gian trước, như tồn đọng sản phẩm, thiếu vốn, tình trạng nợ xấu của ngân hàng... Các chuyên gia đã đề xuất Chính phủ ý tưởng xuyên suốt cho phát triển kinh tế năm tới, với việc tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng hợp lý… như đã duy trì trong suốt năm qua. Chính phủ sẽ áp dụng và chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện một số nhóm giải pháp lớn, như tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD); thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội - cải thiện đời sống…

 

Theo các chuyên gia, mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 124,3 tỷ USD trong năm 2013, tức tăng 10% so với 2012 là gần với thực lực của nền kinh tế hơn cả. Trước hết, hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu từ nhiều năm qua đã "quen" với việc phấn đấu đạt mức tăng liên tục 10% ở năm sau so với năm trước cũng như luôn hoàn thành kế hoạch xuất khẩu. Trên cơ sở phát huy kết quả của năm 2012, với dự báo sẽ đạt 113 tỷ USD - vượt 3 tỷ USD so với kế hoạch, Bộ Công thương sẽ đôn đốc cộng đồng doanh nghiệp (DN) bám sát những thị trường truyền thống, nhất là thị trường có sức mua lớn, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… để đẩy mạnh việc xuất bán ngay từ đầu năm 2013.

 

Bên cạnh đó, các ngành, DN sẽ nỗ lực duy trì số lượng nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và tranh thủ thời cơ tăng thêm nhóm hàng mới khi có điều kiện bứt phá; trong đó chủ yếu trông đợi vào hàng hóa thuộc nhóm nông - thủy sản và công nghiệp chế biến. Hàng loạt biện pháp hỗ trợ DN trong SXKD tiếp tục đi vào cuộc sống, trong đó tập trung vào việc giảm thuế thu nhập DN để tạo cơ hội cho các đơn vị "dễ thở" hơn về nghĩa vụ với nhà nước. Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn tín dụng, khoản vay với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất..

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tình trạng tồn kho đối với một số sản phẩm của DN trong nước vẫn là mối quan tâm tìm cách tháo gỡ thường xuyên của cơ quan quản lý. Thời gian qua, các cơ quan, cộng đồng DN đã từng bước chủ động gắn kết với nhau trong việc trở thành bạn hàng tiêu thụ sản phẩm của nhau và từ đó tạo ra một số kết quả, hiệu ứng đáng khích lệ. Đã có 11 tập đoàn, tổng công ty, như các Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát, Thép, Tập đoàn Hóa chất… vừa ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Đại diện các DN đều nhất trí, đánh giá cao ý nghĩa và nội dung của sự kiện này, cho thấy sự chia sẻ và cách ứng phó hợp lý của gới DN trong buổi khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Năm 2013, giới DN cũng mong muốn nội dung của thỏa thuận nói trên sẽ được triển khai mạnh, kịp thời để góp phần giảm tải gánh nặng tồn kho hàng hóa tại các đơn vị…

 

Riêng về CPI, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ theo dõi và khống chế những yếu tố tác động làm tăng CPI các tháng. Trong đó, ngành công thương sẽ quản lý tốt vấn đề phân phối, lưu thông hàng hóa trên thị trường, tăng cường kiểm soát, triệt tiêu các hoạt động làm và bán hàng giả, nạn buôn lậu để bảo vệ SXKD của DN trong nước. Đặc biệt, việc quyết định tăng giá của các loại nhiên liệu đầu vào tối quan trọng với sản xuất, đời sống dân sinh như xăng dầu, ga, điện sẽ được cân nhắc kỹ, xử lý theo hướng linh hoạt và quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi người tiêu dùng theo nguyên tắc hài hòa quyền lợi 3 bên: Nhà nước - DN - người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, xác định chỉ tiêu kế hoạch là một việc rất khó, luôn bị động trước các yêu cầu và diễn biến thực tế diễn ra ở thời tương lai nên về bản chất vẫn là vấn đề dự báo, định hướng chứ không thể cứng nhắc. Mặt khác, các chỉ tiêu kế hoạch có thể được điều chỉnh, bổ sung từng bước theo thời gian để phù hợp với thực tế cuộc sống. Từ thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP, khống chế lạm phát vẫn có thể thành hiện thực nếu như các biện pháp hỗ trợ DN được triển khai đồng bộ và thực chất, bên cạnh việc ổn định về nguồn cung, giá xuất khẩu của các đối tác xuất khẩu dầu khí trong năm 2013…

 

 

Theo Anh Minh/HNM Online  

 

Tệp đính kèm