Ngày 16.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Đồng thời, ủy ban cũng bàn thảo về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Kiểm soát lạm phát chưa định hình yếu tố bền vững
Theo báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế QH, mặc dù năm qua nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế. Nguyên nhân là do hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng thừa, nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây, dẫn tới khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ KT-XH. Vì vậy, theo dự đoán thì GDP cả năm ước đạt 5,2%, không đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch là từ 6 – 6,5%.
Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu, hiện nay việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt nhưng chưa định hình yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn. Quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến đời sống người dân như phí dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng mạnh và đồng loạt tại nhiều địa phương, đã làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đột biến trong tháng 9. Với việc diễn biến giá cả trong thời gian qua, đòi hỏi Chính phủ cần tập trung chỉ đạo ngăn ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại cuối năm và trong năm 2013.
UB Tư pháp QH cho rằng, tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, phức tạp trên các lĩnh vực đất đai, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân. Kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự kiến, tạo việc làm mới cả năm ước đạt 1,52 triệu người, không đạt chỉ tiêu nghị quyết của QH...; vì vậy cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Tổng nợ ngân hàng nhiều nhất là bất động sản
Về giải pháp giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - cho biết: Chính phủ sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là kích thích tiêu thụ, sản xuất nguyên liệu tăng trở lại; tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, khi Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ông Vinh cho biết con số cụ thể, chính xác giá trị tồn kho của bất động sản hay những công trình đầu tư ''đắp chiếu'' thì ông Vinh cho biết: Chỉ số về bất động sản thì chưa nắm được, nhưng chắc là rất lớn.
Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thứ tốn tiền nhiều nhất là bất động sản, bởi theo tổng nợ ngân hàng là 2 triệu tỉ đồng thì bất động sản chiếm 1 triệu tỉ đồng. Chính vì vậy, nó kéo theo các ngành khác như xây dựng, ximăng, sắt thép... không bán được, trong khi vẫn nhập sắt thép về ầm ầm gây ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Về vấn đề nợ xấu của ngân hàng, ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc NHNN - cho biết: Theo số liệu thì nợ xấu của ngân hàng đang tăng, tuy nhiên, trong các phần nợ xấu đều có tài sản bảo đảm, và giá trị tài sản này đều lớn hơn giá trị khoản nợ. Về việc nợ xấu, cho vay trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng chiếm khoảng 5% so với tổng dư nợ, cũng là lĩnh vực làm tồn đọng vốn của ngân hàng.
Theo đề nghị của UB Tài chính QH, để có thể giải quyết được vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; phân loại nợ để đề phòng rủi ro. Đồng thời, cần xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết. Trên cơ sở có số liệu chính xác về quy mô, cơ cấu nợ xấu thì mới cân nhắc, quyết định mô hình tổ chức xử lý nợ xấu, không nên phân tán sức mạnh, nguồn lực quốc gia; đề nghị chỉ thành lập, sử dụng một Cty duy nhất để xử lý vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Theo ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách QH - thì để giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu ngân hàng, cần chú trọng vào việc kích thích thị trường, bởi nếu thị trường tăng sức mua sẽ cởi trói vấn đề tồn kho, kéo theo giải quyết được nợ xấu. Ngoài ra, về phía ngân hàng nên tập trung cứu doanh nghiệp, bởi cứu họ chính là cứu mình, doanh nghiệp mà đổ vỡ lấy đâu tiền trả nợ ngân hàng.
Theo Báo Lao Động điện tử