Trong những khó khăn chung của doanh nghiệp, các doanh nghiệp miền núi phía bắc có những khó khăn riêng do tính đặc thù tự nhiên, kinh tế - xã hội quy định, chi phối, tác động.
Do đó, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này cũng cần được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, vốn bị hạn chế, yếu kém nhiều mặt. Thực tế khó khăn của doanh nghiệp tại ba tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn đã nói lên những đặc thù ấy.
Khó khăn đa dạng
Ðến khu sản xuất của Công ty TNHH Hưng Thịnh ở thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), các công nhân vẫn đang làm việc tại các khâu của dây chuyền sản xuất sản phẩm sứ gia dụng. Trợ lý Giám đốc Nguyễn Mạnh Giao, lo lắng cho chúng tôi biết, số công nhân hiện còn sử dụng là 150 người, giảm hơn một nửa so với trước, công ty có hai lò nung, nhưng chỉ vận hành một lò, thiếu vốn lưu động khoảng 20 tỷ đồng để duy trì sản xuất, đã làm các thủ tục xin vay vốn, nhưng ngân hàng không tiếp tục đầu tư, do số nợ vay ngắn hạn trước hơn 20 tỷ đồng chưa trả được đã quá hạn nhiều tháng. Trong khi đó, công ty vẫn có hợp đồng sản xuất xuất khẩu sang thị trường Cam-pu-chia, Lào, với giá trị lớn, nếu không có vốn thực hiện sẽ mất hợp đồng, mất bạn hàng, lâm vào tình trạng ngừng sản xuất, công nhân không có việc làm, đứng bên bờ phá sản. Khó khăn thiếu vốn là hiện hữu, nhưng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này, ngoài việc tiếp tục cho vay vốn, theo một số chuyên gia, cần phải có giải pháp căn cơ hơn.
Công ty cổ phần xi-măng Lạng Sơn kết thúc đầu tư, đưa vào hoạt động nhà máy xi-măng lò quay, công suất 350 nghìn tấn/năm, trị giá 500 tỷ đồng, vào đầu năm 2012, đúng lúc nền kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, cắt giảm đầu tư công. Dù được ngân hàng hỗ trợ cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất, công ty nỗ lực tổ chức lại sản xuất, mạng lưới phân phối, giảm chi phí, đưa hàng đến thẳng đại lý tại các huyện, nhưng vẫn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và trả nợ. Theo Giám đốc công ty Nguyễn Bình Sơn, trong tháng 8, tháng 9, công ty phải ngừng sản xuất một tháng vì sản phẩm tồn kho nhiều, chỉ sử dụng 68% công suất nhà máy, tuy ngân hàng đã điều chỉnh giảm, nhưng đơn vị vẫn phải vay lãi suất cao, 14%/năm, mà mức hợp lý phải dưới 12%/năm. Doanh nghiệp phải gồng mình duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho 400 lao động, bảo đảm tiền lương, các chế độ độc hại, ăn ca, bảo hiểm xã hội.
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới bến xe và lộ trình sắp xếp lại bến xe đang hoạt động, Công ty cổ phần Sao Vàng (Lạng Sơn) đã đầu tư xây dựng bến xe phía bắc TP Lạng Sơn, với tổng diện tích giai đoạn I là 12.610 m2, các hạng mục hỗ trợ vận tải, hành khách liên hoàn khép kín. Bến xe đi vào hoạt động từ tháng 10 - 2007, quy mô loại II, theo tiêu chí của Bộ Giao thông vận tải. Nhưng hiện công ty chỉ khai thác được 40% công suất bến xe, vì việc đóng cửa Bến xe trung tâm TP Lạng Sơn đã không thực hiện đúng lộ trình từ tháng 10 - 2012, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng cường mở tuyến, khai thác bến xe và hiệu quả đầu tư, dẫn đến thua lỗ.
Nói về khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn Lại Quốc Toản bổ sung, ở địa phương số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 80%, doanh nghiệp vừa 15%, doanh nghiệp lớn 5%. Tiếng là miền núi đất rộng, nhưng các doanh nghiệp lại rất thiếu địa điểm làm nơi kinh doanh sản xuất, đa số tự tìm, thuê mua mặt bằng, nhưng cũng không dễ. Ðiểm xuất phát thấp, chưa qua học tập, đào tạo cơ bản nên trình độ quản trị của các doanh nghiệp rất thấp, khó tiếp cận chính sách nói chung, cơ chế ưu đãi nói riêng.
Từ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, Nhà nước không còn giữ cổ phần, Công ty cổ phần xây dựng và chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng vẫn hoạt động bình thường, vay vốn ngân hàng dễ dàng, kinh doanh hiệu quả, 20% sản phẩm xuất khẩu, 80% tiêu thụ trong nước, sử dụng 280 lao động, thu nhập bình quân hơn hai triệu đồng/người. Phó Giám đốc công ty Nguyễn Văn Thiện cho biết, khó khăn của doanh nghiệp chính là vùng nguyên liệu không ổn định, lại ở xa tận huyện Bảo Lạc, đường rất xấu, nên giá cước vận chuyển cao, làm tăng giá thành sản phẩm.
Tại mỏ Nà Lũng, trên địa bàn TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, của Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Cao Bằng, nhiều thiết bị khoan, đào, xúc, san ủi hiện đại, đắt tiền đang "đắp chiếu", một nhóm công nhân vài người đang khai thác quặng sắt, còn lại là cảnh vắng vẻ giữa một khai trường mênh mang. Phó Giám đốc công ty Bùi Tiến Hải cho biết, đến nay công ty còn 770 lao động, so cuối năm 2011 giảm 487 người, do sản xuất thua lỗ, khảo sát, thăm dò không chính xác, chi phí giá thành cao, một tấn quặng tinh là 1,5 triệu đồng, nhưng giá bán là 1,05 triệu đồng, tiêu thụ khó khăn, sản xuất thu hẹp.
Theo Hiệp Hội doanh nghiệp Bắc Cạn, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 776 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần năm nghìn tỷ đồng, trong đó có 97% số doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trên ba lĩnh vực chủ yếu là khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, thương mại - dịch vụ.
Ra đời năm 1998, Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Cạn hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, thời kỳ cao điểm giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.200 công nhân. Nhưng sau đó, do sản xuất, kinh doanh liên tục gặp khó khăn, công ty phải cắt giảm dần lao động, đến nay chỉ còn 380 công nhân. Công ty được phép xây dựng Nhà máy luyện chì với công suất mười nghìn tấn chì kim loại/ năm, hoạt động từ tháng 4-2010. Thế nhưng, nhà máy chỉ hoạt động được... một tuần thì "ngủ li bì" từ đó đến nay vì không có nguyên liệu.
Ðể có cơ sở xây dựng Nhà máy luyện chì, tỉnh Bắc Cạn đã đồng ý cấp mỏ Bó Nặm ở xã Quảng Bạch, huyện Chợ Ðồn để lấy nguyên liệu cho nhà máy này. Cả núi công việc từ thăm dò, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án khai thác, xin ý kiến đủ các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đã hoàn tất. Ðồng thời, công ty đã làm đường vào mỏ, mua sắm phương tiện khai thác, tập kết vật tư với chi phí cả chục tỷ đồng, chỉ chờ được cấp phép khai thác. Nhưng sau đó địa phương lại giao mỏ Bó Nặm cho một đơn vị khác. Dựa trên quy hoạch khai thác khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2020 và được phép về chủ trương, công ty lại làm hồ sơ xin cấp phép một số mỏ trên địa bàn tỉnh. Nhưng do thủ tục hành chính quá rườm rà nên đến nay Nhà máy luyện chì vẫn "đắp chiếu" vì chưa có nguyên liệu.
Mỗi doanh nghiệp một "toa thuốc"
Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Lạng Sơn Hoàng Hữu Công, mỗi doanh nghiệp phải có giải pháp riêng, hoặc "toa thuốc" riêng để khắc phục khó khăn. Ðối với Công ty TNHH Hưng Thịnh, ngoài tiếp tục cho vay vốn, cần phải cơ cấu lại doanh nghiệp, thuê chuyên gia làm giám đốc quản trị. Mô hình cụm công nghiệp rất phù hợp cho doanh nghiệp ở Lạng Sơn, với số vốn nhỏ có thể chung nhau làm được. Nhưng tỉnh mới chỉ có một cụm công nghiệp đã lấp đầy. Ðể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn kiến nghị địa phương cần quan tâm quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có mặt bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính để gia nhập thị trường và thụ hưởng chính đáng những ưu đãi, đào tạo nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp.
Chủ tịch HÐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn Mai Văn Bản kiến nghị: "Thủ tục hành chính xin cấp phép khai thác mỏ quá rườm rà, lẽ ra quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản đã phân cấp cho tỉnh rồi thì khi làm xong các thủ tục theo quy định, cấp có thẩm quyền ở tỉnh phê duyệt là có thể tiến hành khai thác. Nhưng đằng này phải làm hồ sơ xin ý kiến rất nhiều bộ, ngành ở trung ương, mất quá nhiều thời gian, đến khi được cấp phép thì cơ hội kinh doanh không còn.
Các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn là quốc lộ 3B, 257 từ thị xã Bắc Cạn vào huyện Chợ Ðồn, tuyến 258B từ huyện Ba Bể lên huyện vùng cao Pác Nặm đang thi công dang dở vì thiếu vốn. Trong khi đó mặt đường đã đào lên, sườn núi đã "quãy" ra để mở rộng mặt đường, nay phải giãn, hoãn tiến độ, không những thiệt hại, lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước mà mỗi khi trời mưa, mặt đường lầy lội, khi nắng thì bụi bay mù mịt gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Hà Lê Thanh Hải mong muốn: "Ðối với các công trình giao thông ở miền núi, đang thi công dang dở thì không thể thu hút được các hình thức đầu tư nào khác ngoài Nhà nước. Nay "đắp chiếu" để đấy, mai kia tiếp tục đầu tư thì vốn đầu tư sẽ đội lên gấp bội. Ðằng nào cũng phải đầu tư thì Nhà nước nên bố trí vốn để thi công cho dứt điểm, vừa đỡ lãng phí, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của nhân dân, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Theo Nhân dân Online