Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan để đánh giá kỹ, đúng thực tế những mặt được, chưa được trong việc thực hiện chủ trương mua tạm trữ thóc, gạo thời gian vừa qua.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012 Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 232/TB-VPCP bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Nghiên cứu chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải tạo kho chứa gạo cũ
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng mới hệ thống kho chứa lúa theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư cải tạo hệ thống kho chứa gạo cũ theo hướng hiện đại, đúng quy trình công nghệ bảo quản và xay xát thóc, gạo; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một số bất cập bộc lộ
Thực tế, nhiều năm qua khi mà nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch rộ, lượng lúa hàng hóa tăng cao thì giá lúa gạo giảm xuống, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân trồng lúa. Trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành liên quan, Thủ tướng chính phủ đã quyết định giao cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức thu mua tạm trữ từ 500 nghìn đến 1 triệu tấn quy gạo mỗi đợt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, phương thức mua tạm trữ lúa gạo đã bộc lộ những hạn chế. Doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ lãi suất nhưng không trực tiếp mua lúa gạo từ nông dân mà chủ yếu mua qua thương lái. Thương lái vì lợi nhuận nên đã “thẳng tay” ép giá nông dân, nên mặc dù tại thời điểm tổ chức thu mua tạm trữ giá lúa gạo có tăng nhưng không đáng kể.
Mặt khác, do điều kiện tập quán canh tác của từng vùng khác nhau nên đúng dịp của nơi này nhưng lại lỡ dịp nơi khác. Vì vậy, chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo nhằm mục đích hỗ trợ cho người nông dân, nhưng người nông dân chưa được hưởng lợi từ chính sách này.
Theo số liệu một số báo chí đã phản ánh, như Kiên Giang - tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước, năm 2011 tổng sản lượng trên 3,95 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa khoảng 2,35 triệu tấn, nhưng chỉ tiêu giao mua tạm trữ chỉ khoảng 85 nghìn tấn, chỉ đạt trên 3,5% lượng lúa hàng hóa. Tương tự, năm 2012, sản lượng lúa dự kiến của Kiên Giang khoảng 4,1 triệu tấn, sản lượng lúa cần tiêu thụ trên 2,5 triệu tấn, nhưng chỉ tiêu mua tạm trữ lúa cũng chỉ khoảng 100 nghìn tấn.
Theo Quốc Hà/Chinhphu.vn