Cập nhật: 17/11/2012 11:06:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kinh phí thấp nhưng hiệu quả cao, hình thức tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi nằm trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường miền núi và được người tiêu dùng đón nhận

Đối với các tỉnh miền núi, việc thiếu thị trường hiệu quả là “điểm nghẽn” đối với phát triển sản xuất, biến tiềm năng thành giá trị kinh tế. Bởi vậy, khơi thông thị thường là biện pháp “chìa khóa” cho phát triển kinh tế miền núi.

 

Giải pháp nhiều mục đích

 

Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi giúp đồng bào dân tộc tiếp cận sản phẩm chất lượng cao.  Khó khăn về địa lý khiến chi phí đưa hàng lên miền núi rất cao, đã hạn chế khả năng tiếp cận của người tiêu dùng và sức cạnh tranh của hàng Việt, dẫn đến rất ít doanh nghiệp để ý tới thị trường này. Thực tế đó đã tạo “đất sống” cho hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhập ngoại lan tràn, nhất là khu vực biên giới.

 

Trong khi đó, thương nhân miền núi chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh nên tiềm lực nhỏ khó tiếp cận thị trường xa, không tạo được đầu ra ổn định cho sản xuất ở khu vực miền núi. Do đó, nếu tạo dòng “đối lưu” hàng hóa với các vùng miền khác sẽ phá vỡ tình trạng “ốc đảo thị trường” ở miền núi.

 

Trước thực tế đó, nằm trong nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có Đề án đưa hàng Việt miền núi biên giới phía Bắc nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với hình thức chủ yếu là các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.

 

Đề án có mục đích lớn đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”; góp phần loại bỏ hàng giả và hàng kém chất lượng; tăng cường giao thương, thiết lập thị trường tiêu thụ cho khu vực miền núi; hỗ trợ cung cấp hàng hoá và dịch vụ thiết yếu trực tiếp cho người dân miền núi; xúc tiến hợp tác đầu tư sản xuất; tư vấn khoa học kỹ thuật…

 

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012 đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho tổ chức gần 100 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động này không chỉ là giải pháp hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng chất lượng cao với giá hợp lý, cũng như bà con tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Hiệu quả thiết thực

 

Hình thức xúc tiến thương mại qua các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được các địa phương đánh giá cao tính hiệu quả và coi là hoạt động hỗ trợ thị trường chủ yếu trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, cho biết: “Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi có tác động tích cực, giúp kết nối thị trường, tạo dựng quan hệ trao đổi mang tính hệ thống và gắn kết hơn giữa thương nhân vùng núi và nhà sản xuất, cơ sở cho hợp tác lâu dài trong lưu thông và sản xuất”.

 

Năm 2012, tỉnh Hà Giang tổ chức 13 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi và ông Nguyễn Đình Bảy đề nghị Chính phủ nên mở rộng chương trình này.

 

Ông Nguyễn Đình Bảy cho biết thêm, tuy kinh phí hỗ trợ của nhà nước không lớn, chỉ 70 triệu đồng/phiên hỗ trợ cho chi phí vận chuyển và dựng gian hàng nhưng hiệu quả rất tốt, giúp giảm giá từ 5-7% và người dân đón nhận rất tích cực, yêu cầu kéo dài phiên chợ.

 

Tương tự như Hà Giang, Lào Cai tuy mới tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng về miền núi nhưng đã thấy rõ hiệu quả của hình thức xúc tiến thương mại này. Theo báo cáo của Sở Công Thương Lào Cai, 3 phiên chợ đã thu hút trên 10.000 lượt người dân tới tham quan và mua bán với tổng doanh thu bán hàng trên 4 tỷ đồng.

 

Theo đại diện Sở Công Thương Lào Cai, các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi đã góp phần nâng cao nhận thức về hàng Việt, góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và nhất là hàng nhập ngoại. Lào Cai cũng đề nghị nên tăng kinh phí hỗ trợ để tổ chức thường xuyên hơn các phiên chợ này.

 

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đơn vị quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, doanh nghiệp rất quan tâm tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi rất lớn, nhưng do hạn chế về kinh phí nên không thể đáp ứng được hết.

 

Có những thành công ban đầu nhưng để tăng tính hiệu quả của các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, các đơn vị quản lý và chủ trì thực hiện chương trình cần tăng cường thu hút tham gia của doanh nghiệp sản xuất hoặc đại lý cấp I nhằm giảm bớt khẩu trung gian, hạ giá thành, đồng thời cải tăng tính đa dạng hàng hóa giới thiệu. Bên cạnh đó, các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi có thêm các doanh nghiệp dịch vụ khoa học kỹ thuật để giúp bà con phát triển sản xuất.

 

 

Theo Doanh Chính/Chinhphu.vn         

Tệp đính kèm