Cập nhật: 25/03/2013 14:24:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đánh giá về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam những năm qua, Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp ngành này có số lượng ít và không tập trung. Một số lĩnh vực rất thiếu và yếu như đúc, nhiệt luyện.

Hiện nay, cũng không có một cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp này để nhà lắp ráp tìm hiểu khi cần. Mặt khác hoạt động marketing của các doanh nghiệp cũng  rất kém, chủ yếu dựa  trên các mối quan hệ  lâu dài. Điều này làm cho các doanh nghiệp lắp ráp rất khó khăn khi muốn tìm kiếm các doanh nghiệp phụ trợ ngay tại Việt Nam.

Cho đến nay, CNHT cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Tỷ lệ nội địa  hoá các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đã đạt khoảng 85-90%. Hầu hết các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ, đều đã được sản xuất trong nước. Việt Nam hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện kim  loại cho xe máy. Các sản phẩm chính trong xe máy hầu hết đã được sản xuất với số  lượng  lớn, đạt tiêu chuẩn của các nhà lắp ráp và tạo thành hệ thống cung ứng khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành ô tô với sự tham gia của các nhà sản xuất lắp ráp ô tô đồng thời đầu tư sản xuất các linh kiện, phụ tùng  và  các  nhà  cung  cấp  linh kiện  kim  loại  đã bước đầu  cung ứng  được một phần nhu cầu cho ngành ô tô.

Lĩnh vực linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ mà chiến lược phát triển ngành cơ khí hướng tới (bao gồm sản xuất máy móc thiết bị tàu thủy, điện, than, xi măng) đã đạt được một số thành tích tuy nhiên ngành cơ khí mới  tham gia sản xuất được một phần sản phẩm phi  tiêu chuẩn, chiếm khoảng 20%  trong  tổng  giá  trị  thiết bị. Trong đó, ngành  cơ khí  trong  nước đã  chế  tạo được 50 - 70% khối lượng của một số thiết bị tiêu chuẩn như thiết bị vận chuyển bao gồm gầu nâng, vít tải, băng tải thiết bị kho bãi như thiết bị chất liệu, dỡ liệu, thiết bị  lọc bụi…

Các nhà thầu Việt Nam hầu như không tự sản xuất được các loại máy móc thiết bị chính phục vụ cho các dự án lớn, phần máy móc thiết bị có giá  trị, mang  lại  lợi nhuận cao của các nhà máy điện, xi măng hay dầu khí chủ yếu  được  các  nhà  thầu Việt Nam  giao  cho  các  nhà  thầu  phụ  nước  ngoài  đảm nhiệm.

Về  năng  lực  công  nghệ  kỹ  thuật,  ngoại  trừ một  số  ít  doanh  nghiệp,  đặc biệt  là doanh nghiệp FDI được  trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ,  lạc hậu vì vậy chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp./.

 

Theo Xuân Thân/VOV online

Tệp đính kèm