Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là nhu cầu của thị trường giảm, giá lúa xuống thấp...
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý II tăng 2,2%, thấp hơn Quý I (2,6%) chủ yếu do sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản tính vào giá trị sản xuất Quý I; sản lượng thịt hơi trong Quý II giảm so với Quý I.
6 tháng đầu năm ước tăng toàn ngành đạt 2,4%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; trong đó: nông nghiệp ước tăng 2,2%; lâm nghiệp ước tăng 5,7%; thủy sản ước tăng 2,5%.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sản xuất nông nghiệp trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh hiệu quả, đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất, như: Chương trình “cánh đồng mẫu lớn”; “ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP”;... nên đã đạt được nhiều kết quả: cơ cấu giống lúa đang dần được cải thiện theo hướng chất lượng cao, lúa thơm được chú trọng do thị trường xuất khẩu được mở rộng; năng suất bình quân tăng, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, bảo đảm cho an ninh lương thực và xuất khẩu; một số doanh nghiệp đã chú ý đến xây dựng thương hiệu gạo.
Tính đến ngày 15/6, cả nước đã cơ bản thu hoạch xong vụ đông xuân và đang tiến hành xuống giống vụ hè thu. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa đông xuân đạt 3.139,9 nghìn ha, tăng 0,5% (15,7 nghìn ha); năng suất ước đạt 64,5 tạ/ha, giảm 0,6% (0,4 tạ/ha); sản lượng đạt 20,26 triệu tấn, bằng xấp xỉ vụ đông xuân 2012. Năng suất lúa vụ Đông Xuân của Việt Nam đã rất cao, khoảng 65 tạ/ha và rất khó có khả năng tăng nhanh như các năm trước (trong khi năng suất bình quân trên thế giới chỉ bằng khoảng 60% của nước ta - khoảng trên 40 tạ/ha).
“Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là nhu cầu của thị trường giảm, giá lúa xuống thấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo và thu nhập của người nông dân” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận xét.
Chăn nuôi cũng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 15/6/2013, đàn trâu giảm 2,54% so với cùng kỳ 2012; đàn bò giảm 3,16% (bò sữa tăng 10,3%); đàn lợn giảm 0,52%; gia cầm giảm 2,01%. Đàn trâu, bò giảm chủ yếu do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp; đàn lợn, gia cầm hồi phục chậm do giá thức ăn vẫn ở mức cao, giá sản phẩm thấp, dịch bệnh và cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập lậu. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 6 tháng đầu năm ước đạt 2,56 triệu tấn, bằng xấp xỉ sản lượng cùng kỳ 2012.
Nêu khó khăn của địa phương trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Minh cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, tăng trưởng 6 tháng qua chỉ đạt 2,8%. Khó khăn tập trung chủ yếu ở sản xuất lương thực và chăn nuôi, kể cả với chăn nuôi tập trung và hộ gia đình. Nguyên nhân do tập quán canh tác của nông dân chủ yếu là làm theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc chúng ta lo chăm sóc, bảo vệ thú y, thuốc bảo vệ thực vật đã có cố gắng nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra.
Giải pháp được ông Minh đề xuất với Chính phủ là việc có những biện pháp ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp mà trong nước có thể sản xuất được. Việc nhập khẩu các mặt hàng này để sản xuất ổn định nhưng lại gây khó khăn cho sản xuất trong nước, nhất là chăn nuôi.
Ngoài ra, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn nên công khai để các địa phương biết để xây dựng tái cơ cấu hợp lý gắn với kinh tế thị trường; Quản lý tốt các vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp; Làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương đến cơ sở; soát lại để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước, nhất là chăn nuôi.
Làm rõ hơn nội dung này tại phiên họp, Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Chúng ta đã nhập 44 nghìn tấn thịt, gần 2 triệu tấn thịt sản xuất trong nước. Như vậy, lượng thịt nhập vào rất nhỏ, tác động không lớn. Cái chính là nhu cầu trong nước giảm, trong khi lượng vẫn giữ được nên giá giảm. Chúng ta đang nhập khẩu 1,2 triệu tấn ngô với giá 7.000 đồng/kg, trong khi giá lúa chỉ 4.000 đồng/kg. Vì vậy, phải chuyển đổi cây trồng cho phù hợp”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, 6 tháng cuối năm cấp bách nhất vẫn là đẩy mạnh thị trường, đặc biệt là xuất khẩu. Từ lúa gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm… có xuất khẩu được thì mới tăng được giá trị sản xuất nông nghiệp. Tạm trữ chỉ là gải pháp tình thế. Chúng ta đang gồng mình lên để hỗ trợ xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT đánh giá, sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi. Diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 57,2 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 1.355 ha, giảm 10,7%; trong đó: thiệt hại do cháy rừng giảm 2,3%; thiệt hại do chặt phá rừng giảm 21,8%.
Tổng sản lượng thủy sản ước tăng 0,6% so cùng kỳ. Sản xuất thủy sản, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng như cá ba sa, cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn do: tiêu thụ chậm, thiếu vốn sản xuất, giá đầu vào cao, giá bán thấp, các rào cản kỹ thuật,… Hoạt động khai thác thủy sản, nhất là thủy sản có giá trị cao (cá ngừ đại dương…) đạt nhiều kết quả, ngư dân tập trung khai thác nên đa phần có lãi…/.
Theo Vũ Hạnh/VOV online