Cập nhật: 16/07/2013 09:46:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, nhiều diện tích đất nông, lâm trường trên phạm vi cả nước đã liên tiếp bị “xẻ thịt.” Thậm chí, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông, lâm trường làm đất kinh doanh, nhà ở trái phép vẫn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên đất, ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước...

Cụ thể, về việc quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường và công ty được chuyển đổi từ các nông, lâm trường trên phạm vi cả nước, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có tới 41/73 đơn vị đang xảy ra tranh chấp, lấn chiếm đất đai; 23/73 nông, lâm trường đã tự ý chuyển đổi trái phép từ đất nông nghiệp, đất rừng sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh.

 

Đặc biệt, liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật, qua thanh tra tại 37/50 tỉnh, thành phố trên cả nước đối với 73/99 nông, lâm trường, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện 23/73 đơn vị đã tự ý chuyển đổi hơn 1.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; trong đó chuyển sang đất ở là 156,12 ha, đất xây dựng trụ sở và đất sản xuất kinh doanh là 911,46 ha.

 

Ngoài ra, báo cáo của thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định đã phát hiện nhiều nông, lâm trường tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; liên doanh, liên kết trong việc chuyển nhượng sử dụng đất trái pháp luật.

 

Qua thanh tra tại các tỉnh, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện có 6/73 đơn vị đem thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, với diện tích gần 52.000 ha; có 15/73 đơn vị liên doanh, liên kết trong việc sử dụng đất (trong đó 9 đơn vị liên kết với hơn 2.000 hộ gia đình, cá nhân sử dụng hơn 9.000 ha đất vào mục đích nông nghiệp; 6 đơn vị liên doanh với 6 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng gần 3.000 đất vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng).

 

Về việc cho thuê lại, mượn quyền sử dụng đất, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phát hiện 20/73 nông, lâm trường đã cho thuê lại quyền sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích gần 17.000 ha (trong đó có 9 đơn vị cho 9 tổ chức thuê gần 100 ha đất để sử dụng vào mục đích kinh doanh; 10 đơn vị cho 548 hộ gia đình, cá nhân thuê, mượn đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp).

 

Đánh giá về các vụ vi phạm trên, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân cơ bản là do một số cơ quan quản lý nhà nước có chức năng chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Thậm chí, nhiều địa phương còn có biểu hiện buông lỏng việc quản lý đất đai tại khu vực nông, lâm trường.

 

Bên cạnh đó, “công tác giao khoán đất trước đây tại các địa phương còn thiếu cụ thể, chủ yếu trên giấy tờ. Cùng với đó, sự thiếu liên kết giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chủ quản trong công tác quản lý, kiểm tra đã làm gia tăng các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, mượn, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở sai luật," thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận.

 

Để "tháo gỡ" những bất cập trên, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc quan trọng là cần thống nhất một cơ chế cho thuê đất trả tiền, thuê đất hàng năm đối với từng khu vực để phù hợp với thực tế, vì các đơn vị thường sử dụng diện tích đất có quy mô lớn sẽ không phù hợp với giao đất có thu tiền sử dụng đất.

 

Ngoài ra, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tập trung giải quyết dứt điểm các vụ lấn, chiếm, tranh chấp đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết; thực hiện giao đất, cho thuê đất, hoặc điều chỉnh giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tạo điều kiện về kinh tế để đảm bảo cho việc đo đạc, rà soát, quy hoạch sử dụng chi tiết, cắm mốc ranh giới đất giao, cho thuê../.

 

 

Hùng Võ (Vietnam+)

 

http://www.vietnamplus.vn/Home/Quan-ly-kem-vi-pham-dat-nonglam-truong-tran-lan/20137/206757.vnplus

Tệp đính kèm