Cập nhật: 10/12/2008 16:13:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những vụ án liên tiếp xảy ra gần đây, mà phần lớn  bị cáo đứng trước vành móng ngựa vẫn đang ở độ tuổi cắp sách tới trường không chỉ gây nên nỗi đau cho người thân, gia đình các bị cáo mà còn là vấn đề nhức nhối, đáng báo động của toàn xã hội.

Nếu như trước đây các loại tội phạm mà trẻ vị thành niên mắc phải thường là trộm cắp vặt, gây rối, đánh nhau, thì gần đây mức độ phạm tội có chiều hướng nguy hiểm hơn, vượt quá giới hạn của tuổi vị thành niên, như đánh nhau có vũ khí, hình thành băng cướp, trộm cắp tài sản lớn. Thậm chí hiếp dâm, giết người, mua bán, sử dụng chất  ma túy.

 

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tính riêng năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, số trẻ em dưới 16 tuổi phạm tội lên tới bảy  nghìn vụ vi phạm, trong đó các tội như cướp của, giết người, vận chuyển ma túy chiếm đến 70% tội phạm vị thành niên dưới 18 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật  ở lứa tuổi này. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thì phần lớn đều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình. Có những ông bố, bà mẹ nuông chiều con quá mức, cung cấp tiền cho con tiêu xài, ăn chơi mà không hề kiểm soát. Nhiều bà mẹ có con ra tòa rồi, vẫn không tin rằng con mình có thể phạm tội, khi được hỏi thì trả lời rất thiếu trách nhiệm rằng bận việc làm ăn, nghĩ con mình chỉ mải chơi với bạn bè. Ðêm không thấy con về nhà thì nghĩ con bên nhà bạn, đến mức con mang xe ăn cắp về nhà, hoặc đi cầm đồ  cũng không hay biết. Và, trong rất nhiều vụ án, kẻ phạm tội lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mẹ mắc vào tệ nạn xã hội hoặc bạo lực gia đình đã dẫn đến sự thiếu quan tâm, giáo dục, đẩy các em vào hoàn cảnh phải bỏ học, đi lang thang kiếm sống. Những đứa trẻ này dễ bị rủ rê vào các băng nhóm và phạm tội hình sự. Trong khi đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong trường học chưa thật sự được quan tâm, đầu tư. Các bài học về đạo đức vẫn còn mang tính chất chung chung, hầu hết chỉ được xem là một môn phụ tại các trường. Ngoài một vài tiết học lý thuyết trên lớp các em ít có điều kiện được tiếp xúc với các lớp ngoại khóa. Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng phạm tội vị thành niên tăng nhanh là do mặt trái của nền kinh tế thị trường, việc bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Nhiều học sinh, sinh viên bỏ học vùi đầu vào các quán in-ter-net để chát, chơi game online. Các em lại ưa chuộng, đua nhau chơi các trò chơi bạo lực và kích động mạnh... mà chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý được tình trạng này.

 

Ðể hạn chế việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng sống, về giới tính, giáo dục để các em hiểu được nguyên nhân và hậu quả của việc vướng vào các tệ nạn xã hội, từ đó giúp các em có cơ hội học tập và làm việc, tránh bị bạn bè xấu lôi kéo... Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chính sách pháp luật có liên quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mỗi gia đình cần quan tâm chăm sóc hơn đến con em mình, thật sự là chỗ dựa đầu tiên của các em, nhất  là trong lứa tuổi vị thành niên. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các ngành, đoàn thể liên quan cũng như chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, hạn chế nguy cơ phạm tội trong lứa tuổi này.

 

 

Theo ND

Tệp đính kèm