Cập nhật: 19/04/2009 23:38:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu không có gì thay đổi, ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực và chính thức đi vào cuộc sống. Ðiểm mới của Luật BHYT là người bệnh có thẻ BHYT chỉ được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến quận-huyện, xã-phường và các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân.

Các trường hợp đăng ký khám bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương phải do Bộ Y tế quyết định. Ðây là một quyết định đúng đắn, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, vì tâm lý người bệnh bao giờ cũng muốn đăng ký ở tuyến cao hơn để khi đi khám bệnh được hưởng nhiều lợi ích hơn. Ðiểm mới nữa là khi luật có hiệu lực thì trẻ em dưới sáu tuổi cũng có thẻ BHYT như người lớn.

 

Tuy nhiên, khi thực hiện thì chúng ta cần phải có nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật một cách rõ ràng để tuyến y tế cơ sở dựa vào đó mà thực hiện. Song, xin nêu một số vướng mắc mà tuyến y tế cơ sở sẽ gặp phải trong quá trình khám, chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT.

 

Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh theo quy định thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (Trích Mục 1, Ðiều 7 dự thảo hướng dẫn thi hành một số điều Luật BHYT). Vậy mức lương tối thiểu này là bao nhiêu, làm sao bệnh viện biết được mức lương tối thiểu của bệnh nhân?

 

Cũng trong Khoản 2, Ðiều 7 của dự thảo quy định, khi người tham gia BHYT đi khám bệnh không đúng tuyến thì được thanh toán chi phí 70% ở tuyến huyện, 50% tuyến tỉnh, 40% tuyến Trung ương. Nhưng Mục 4, Ðiều 7 lại quy định, khi người bệnh đi khám bệnh không đúng tuyến, có sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn thì được quỹ BHYT chi trả 60% ở tuyến huyện, 40% ở tuyến tỉnh, 30% ở tuyến Trung ương. Tại sao cùng một cơ sở khám bệnh mà nơi thì chi 70%, nơi thì chi 60%. Sao không quy về một con số để người bệnh biết rằng khi họ đi khám trái tuyến là phải đóng bao nhiêu tiền. Ðiều này cũng hết sức khó khăn cho những cơ sở y tế có sử dụng lập trình mạng, nếu số tiền nộp không thống nhất.

 

Khi luật ra đời thì trẻ em dưới sáu tuổi cũng có thẻ BHYT  như người lớn, vậy ai cấp thẻ cho đối tượng này, khi trẻ được mấy tháng thì cấp, trường hợp trẻ vừa lọt lòng đã mắc bệnh thì khám bệnh theo chế độ nào. Theo quy định của BHXH thì khi đi khám bệnh phải có thẻ hình, vậy trẻ dưới sáu tuổi không có hình, không có giấy chứng minh nhân dân thì làm sao kiểm soát được.

 

Trên đây là những vấn đề thường gặp đối với người bệnh khi đi khám bệnh bằng thẻ BHYT, mong các cơ quan hữu quan xem xét để Luật Bảo hiểm Y tế dễ dàng đi vào cuộc sống.

 

Theo ND

Tệp đính kèm