Cập nhật: 04/06/2009 22:12:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chưa vào chính mùa mưa bão song đến thời điểm này, nhiều tỉnh miền núi phía bắc đã phải đối mặt với nhiều đợt dông lốc, lũ quét. Với nhận định về tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương đã phải rục rịch đối phó với thiên tai ngay từ những ngày đầu tháng sáu...

 

Di tản xong, vẫn lo!

 

Nhiều tuyến đường tại các huyện vùng cao các tỉnh miền núi phía bắc đã gồ ghề bởi những trận sạt đất liên tục, do mưa to trong những ngày cuối tháng năm. Có mặt tại xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai - tâm điểm của trận lũ quét kinh hoàng từ cơn bão số 4 năm ngoái - mới thấy bà con có thể đối mặt với sạt lở bất cứ lúc nào. Xã có tất cả 8 thôn, bản, song từ sau trận lũ quét cơn bão số 4 gây thiệt hại nghiêm trọng năm ngoái, hiện chỉ có 3 thôn với gần 30 hộ mới được di tản khỏi vùng ảnh hưởng bởi lũ quét.

 

Xã đội trưởng - ông Sùng A Nhè - cho biết: "Năm ngoái, gần 30 hécta lúa và ngô cùng nhiều gia đình bị cuốn trôi. Đến nay cũng chỉ mới có 30 hộ được di tản ra khỏi vùng tâm lũ, vì điều kiện địa hình khó khăn, các thôn bản cách nhau hàng kilômét nên công việc di tản gặp nhiều khó khăn". Huyện Bát Xát, Lào Cai chỉ là một trong những ví dụ điển hình của những địa phương chịu ảnh hưởng do lũ quét.

 

Theo ông Lê Thanh Hải -  PGĐ TT Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư - năm nay nước ta đối mặt với nhiều cơn bão, mức độ phức tạp của bão lũ cũng cao hơn. Các tỉnh miền núi phía bắc sẽ liên tục đối mặt với nhiều trận dông lốc, lũ quét. "Nguy cơ sạt lở đất dễ xảy ra tại các vùng có địa hình dốc. Các đợt tố lốc sẽ đến bất thường" - ông Lê Thanh Hải cho biết.

 

Cần sức mạnh cộng đồng

 

Nhằm đối phó với tác động xấu của biến đổi khí hậu, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã có nhiều hoạt động đầu tư đề phòng hiểm hoạ, trong đó có tập trung vào các tỉnh miền núi phía bắc.

 

Mới đây, ngày 29.5, Bộ NNPTNT công bố chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến năm 2020. Theo đó, ngành chủ yếu tập trung xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, quy hoạch phòng, chống lũ cho hệ thống các sông, phát triển rừng phòng hộ...

 

Khi được hỏi về mức độ quan tâm của bà con đối với thiên tai, không ít người khẳng định họ nhiệt tình tham gia vào các hoạt động cộng đồng tại địa phương, tập huấn và được hỗ trợ các trang thiết bị đối phó khi lũ quét sạt lở... Tuy nhiên, để sự đầu tư của Nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước đến được tận tay bà con vùng cao thì đó còn là cả vấn đề.

 

 

 

Theo Lao Động

 

Tệp đính kèm