Cập nhật: 24/12/2009 22:08:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðể khống chế, từng bước đi đến thanh toán dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 3637/VPCP-NN ngày 30-6-2005 chỉ đạo các ngành, các cấp và các địa phương về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM

Liên bộ Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Quyết định số 3660/QÐ-BNN-YT ngày 27-12-2005 phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2006-2010. Với mục tiêu đến năm 2010 bệnh LMLM cơ bản được khống chế. 

 

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, qua bốn năm triển khai  thực  hiện  Chương  trình,  dịch  LMLMtrên gia súc vẫn chưa được thanh toán triệt để, thậm chí năm 2009 còn tăng cao hơn năm trước và đang có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp. Hiện trên địa bàn 231 xã thuộc 87 huyện của 27 tỉnh, thành phố đã có hơn 7.200 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó có hơn 400 con đã bị chết, xử lý; tại 35 xã thuộc 23 huyện của 16 tỉnh, thành phố có gần 500 con lợn bị mắc bệnh, trong đó có gần 430 con chết phải xử lý tiêu hủy. Nguy hiểm hơn, dịch LMLM đã xuất hiện một số chủng loại vi-rút gây bệnh mới; một số địa phương dịch bệnh tái phát đi, phát lại nhiều lần trong năm; công tác phòng, chống bệnh LMLM chưa được các cấp chính quyền nhiều địa phương quan tâm đúng mức; nhiều nơi việc tiêm phòng vắc-xin LMLM chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, diễn biến thời tiết "trái mùa" đang là điều kiện thuận lợi cho các ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và bệnh LMLM nói riêng phát triển.

 

Ðể bảo đảm cho Chương trình quốc gia về phòng, chống  bệnh LMLM đạt kết quả, trước hết phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là công việc của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành nông nghiệp và thú y chịu trách nhiệm về chuyên môn. Tăng cường công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu biết cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Cung cấp vắc-xin kịp thời, đúng chủng loại, bảo đảm chất lượng, kết hợp tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định. Các biện pháp về quản lý như kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc qua các vùng, đặc biệt kiểm soát vận chuyển gia súc qua biên giới cần được triển khai thường xuyên, liên tục, nhất là những tháng cuối năm, khi nhu cầu thực phẩm tăng cao. Các ngành chức năng phải sớm xác định chính xác các nguyên nhân gây ra dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng, chống đúng cách, kịp thời. Khi có ổ dịch phát sinh phải nhanh chóng khoanh vùng xử lý tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêu hủy số gia súc mắc bệnh để dập tắt ổ bệnh. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh LMLM trên gia súc cụ thể, quyết liệt, đồng thời có chính sách hỗ trợ kịp thời người sản xuất khi đàn gia súc bị thiệt hại do dịch bệnh.

 

 

Theo NhanDan Online

 

Tệp đính kèm